Vận động truyền thông thay đổi hành vi, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

07:12, 04/12/2014

Trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi là một trong những hoạt động then chốt trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, ngăn chặn đại dịch thế kỷ HIV/AIDS, góp phần giúp kiểm soát tốt và giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV/AIDS.

Tư vấn cho người dân cách phòng lây nhiễm các bệnh xã hội tại Trạm Y tế xã Hải Lộc (Hải Hậu).
Tư vấn cho người dân cách phòng lây nhiễm các bệnh xã hội tại Trạm Y tế xã Hải Lộc (Hải Hậu).

Để triển khai hoạt động truyền thông, Sở Y tế đã cùng các ngành chức năng triển khai hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, nội dung phong phú tới các đối tượng cộng đồng dân cư. Trước tiên, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS hướng tới việc chú trọng cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những nguy cơ bị lây truyền và không thể lây truyền HIV. Bên cạnh đó, công tác truyền thông tập trung tuyên truyền về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút, mặc dù đây không phải là thuốc chữa khỏi được HIV nhưng rất đặc hiệu cho việc ức chế sự nhân lên của vi rút làm cho sức khỏe của người nhiễm HIV được nâng lên và không bị mắc các nhiễm trùng cơ hội. Hoạt động vận động truyền thông thay đổi hành vi được triển khai trên diện rộng với nhiều hình thức phong phú, góp phần cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ mại dâm, di dân biến động bằng nhiều hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp song song với việc xây dựng các mô hình truyền thông phù hợp từng nhóm đối tượng. Trong 10 tháng đầu năm 2014 đã truyền thông cho 43.960 lượt người NCMT, 8.097 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, 20.711 lượt người bị nhiễm HIV, 18.262 lượt người là thành viên gia đình người nhiễm, 30.448 lượt người di biến động, 76.209 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 48.216 lượt người thuộc nhóm từ 15-24 tuổi. Công tác giáo dục truyền thông còn thông qua sự phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế với các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn… để tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Tiêu biểu là sự phối hợp giữa Sở Y tế, Sở VH, TT và DL và Ủy ban MTTQ tỉnh để triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” với các hoạt động như tiếp cận truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, tổ dân phố, cụm dân cư qua hoạt động của nhóm nòng cốt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là sự tham gia của người nhiễm HIV, người NCMT, người bán dâm và người di biến động vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng như giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Các hoạt động truyền thông còn được tăng cường vào Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm cung cấp thông tin về cách dự phòng lây nhiễm HIV, quảng bá các phòng xét nghiệm tự nguyện, phòng khám ngoại trú tới cộng đồng dân cư. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hằng năm, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và bản tin của ngành; tổ chức các hoạt động giao lưu với nội dung về HIV/AIDS tại các CLB người nhiễm, người có hành vi nguy cơ cao và tại cộng đồng; tổ chức các hội thảo về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường quảng bá về các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại tỉnh; vận động và tổ chức thăm hỏi, động viên người nhiễm và ủng hộ CLB người nhiễm; chỉ đạo các xã, phường, đơn vị đồng loạt tổ chức lễ mít tinh, diễu hành quần chúng… Việc tăng cường công tác truyền thông đã giúp người dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ và hành vi về sự lan truyền của HIV, các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, duy trì các hành vi an toàn và cách phòng, tránh cho các nhóm đối tượng. Qua nghiên cứu về kiến thức, thái độ, thực hành của người dân ở độ tuổi 15-49 tuổi về phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh ta thời gian gần đây cho thấy: gần 62% người dân hiểu biết đúng và đầy đủ về HIV; 47% hiểu đúng cả 3 đường lây truyền HIV từ mẹ sang con; 61,5% biết có thuốc điều trị cho mẹ nhiễm HIV để giảm lây truyền HIV cho con; 84% biết có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm HIV/AIDS; 97% người dân sẵn sàng chăm sóc thành viên trong gia đình bị nhiễm HIV. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2014, đã có trên 121.478 lượt người có nguy cơ cao được tiếp cận truyền thông tư vấn; 5.446 lượt người được tư vấn tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí; 109 bệnh nhân mới được điều trị thuốc kháng vi rút ARV, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV lên là 1.147 người; 402.591 bơm kim tiêm và 88.509 bao cao su đã được cấp phát miễn phí tới nhóm người có nguy cơ cao.

Chiến dịch phòng, chống AIDS do Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) cho giai đoạn 2011-2015 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Năm 2014, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 cũng với chủ đề: “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” sẽ là “điểm nhấn” hướng tới các mục tiêu trên với các hoạt động chủ yếu như: Tăng cường phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tổ chức sinh hoạt của các CLB phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng khi khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân để họ biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm, biết cách chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS và góp phần thay đổi hành vi để mỗi cá nhân và xã hội không còn kỳ thị với người nhiễm HIV. Được truyền thông, người nhiễm HIV cũng ý thức hơn trong việc sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế con đường lây nhiễm HIV ra cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com