Những thương binh - cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

09:12, 22/12/2014

Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt trên các chiến trường, những thương binh - cựu chiến binh (CCB) trở về mang trên mình nhiều thương tật; những khi “trái gió, trở trời” những vết thương lại hành hạ tưởng chừng như quật ngã họ. Tuy nhiên với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, họ đã cố gắng chiến thắng bệnh tật, vượt khó làm giàu, vươn lên trong cuộc sống, trở thành những thương binh “tàn nhưng không phế”.

Ở xóm 4, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), nhiều người cảm phục tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của thương binh Vũ Xuân Túy. Năm 1971, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đại đội 3, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị vào chiến trường Tây Nguyên. Trong trận đánh chiến đấu ngăn chặn tiểu đoàn địch tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) đơn vị ông rơi vào vùng địch tập kích, ông trúng đạn bị thương vùng ngực trái và cánh tay phải. Năm 1975, ông trở về địa phương, là thương binh 4/4, bệnh binh 2/3 với mảnh đạn vẫn nằm trong ngực. Sau khi lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1980, ông vay mượn của anh em, họ hàng được ít vốn, mở đại lý thu mua bao đan bằng cói bán cho Cty xuất nhập khẩu làm bao bì đóng gói. Công việc đang thuận buồm, xuôi gió thì năm 1989, hàng bao dứa xuất hiện, giá thành rẻ chỉ có 2.000 đồng/cái, trong khi bao cói giá 20 nghìn đồng/cái. Không nản chí, ông đã đi khắp nơi như Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, thậm chí sang tận Trung Quốc, những nơi làm nghề đan cói để học hỏi. Về quê hương, ông cùng vợ con cải tiến nhiều mẫu mã mới, lạ, độc đáo. Nhận được đơn đặt hàng của một Cty xuất nhập khẩu ở Thành phố Nam Định, ông bắt tay vào lựa chọn những người thợ giỏi trong làng tập trung làm hàng, để thực hiện hợp đồng đầu tiên. Ngày 15-2-1990, chuyến hàng đầu tiên từ đại lý được xuất khẩu sang Đức. Đây trở thành sự kiện lớn đánh dấu thành công của ông cũng như của những người thợ lành nghề trong xã. Đến nay, ông đã là chủ của doanh nghiệp hàng cói xuất nhập khẩu Ánh Túy với vốn hoạt động cố định trên 5 tỷ đồng, vốn lưu động trên 2 tỷ đồng, doanh nghiệp có khu nhà khang trang, sạch sẽ, kiên cố 2 tầng trên diện tích đạt 1.800m2. Sản phẩm doanh nghiệp có chất lượng bền, đẹp, mẫu mã phong phú, đa dạng nên được khách hàng các nước EU, Đức, Nhật Bản... ưa chuộng. Bình quân doanh nghiệp xuất khẩu gần 30 nghìn sản phẩm cói các loại/năm; năm 2013, tổng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 800 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. Không những làm kinh tế giỏi, CCB Vũ Xuân Túy còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Hằng năm, ông đã ủng hộ, tặng quà cho các đối tượng thuộc diện khó khăn tổng số tiền lên tới 80 triệu đồng. Ông còn nhận dạy nghề và hỗ trợ cho 20 cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, ông phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Nam Định mở 2 lớp dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn. Trong quá trình tham gia chiến đấu, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Trở về quê hương, sau 35 năm đóng góp xây dựng quê hương, ông được Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen; được đi dự hội nghị Biểu dương “CCB gương mẫu” toàn quốc.

Sản phẩm cói mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng). Ảnh: Hoàng Dung
Sản phẩm cói mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng). Ảnh: Hoàng Dung

Mang thương tật sau chiến tranh, CCB Vũ Ngọc Hoan, xã Kim Thái (Vụ Bản) cũng là tấm gương sáng về tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tháng 6-1977, ông Hoan lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 584, Quân khu III. Đến tháng 10-1977, ông chuyển về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 45, Sư đoàn 326, Quân khu 2. Đến tháng 2-1979, đơn vị ông được tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Năm 1989, trong một lần đi làm nhiệm vụ, xe bị lật, ông bị chấn thương cột sống nặng, phải điều trị thời gian kéo dài 1 năm. Đến năm 1990, ông xin phục viên về quê với thương tật 96%, hai chân bị teo không đi lại được, cuộc sống và sinh hoạt vô cùng khó khăn. Năm 1992, ông mở một cửa hàng nước để phụ vợ con trang trải cuộc sống gia đình. Sau vài năm, thấy nhu cầu mua bán vật liệu xây dựng ngày càng sôi động; ông vừa mở hàng nước, vừa kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng, vừa làm máy xay xát tại nhà. Đến nay, ông chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Lấy công làm lãi, hàng ông bán ra thị trường giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo; đối với người dân trong làng, xã có hoàn cảnh khó khăn, ông Hoan giúp đỡ bằng cách cho họ trả chậm không lấy lãi... Bình quân mỗi tháng, cửa hàng của ông xuất bán trên 100 tấn xi măng, sắt, thép, thu lãi trên 10 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình ông đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang cùng nhiều vật dụng đắt tiền. Vừa qua, ông Hoan được Hội CCB tỉnh biểu dương là hội viên điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ở xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) khi nhắc đến CCB Đinh Văn Thiểm, ai cũng mến phục về một tấm gương thương binh với thương tật 31% làm kinh tế giỏi từ mô hình trang trại nuôi cá giống và nuôi lợn siêu nạc, mỗi năm, trừ chi phí, thu lãi gần 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Nhập ngũ tháng 3-1974, sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ Đinh Văn Thiểm được cấp trên điều về Sư đoàn 10 chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông trực tiếp tham gia các trận đánh lớn, góp phần giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, đặc biệt là trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam, ông và các đồng đội trong Sư đoàn 10 nhanh chóng sát cánh với các đơn vị của Quân đội ta cùng lực lượng vũ trang cách mạng bạn giải phóng một loạt các thành phố, thị xã quanh Biển Hồ và nhiều địa bàn chiến lược quan trọng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Căm-pu-chia. Tháng 6-1978, khi đang làm nhiệm vụ, bất ngờ địch nống ra càn quét, đơn vị của ông bị pháo địch tấn công, 8 người hy sinh tại chỗ, ông bị thương ở bụng. Năm 1982, xuất ngũ, trở về quê hương, sau khi lập gia đình, kinh tế khó khăn, ông theo cha học nghề cá giống. Thời gian này, gia đình ông có trên 30 ao, hồ, chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống thủy sản nước ngọt. Năm 1992, để mở rộng quy mô, ông xin đấu thầu vùng đất bên bờ sông Đáy thuộc địa phận xã Hoàng Nam với diện tích hơn 3ha để xây dựng các ao chuyên nuôi và sản xuất cá giống. Hiện nay, cơ ngơi của ông đã trở thành trang trại lớn đạt tiêu chuẩn do Bộ NN và PTNT quy định; chuyên cung cấp cá giống trắm đen, chim trắng, cá trắm cho các đại lý và người nuôi cá ở các tỉnh Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình. Năm 2008, qua nghiên cứu, ông thấy nuôi lợn siêu nạc có nhiều điểm phù hợp với điều kiện của gia đình, ông đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng 3 khu chuồng trại với diện tích hơn 2.000m2, chuyên về lợn giống sinh sản. Hiện nay, trang trại của ông có hơn 200 con lợn nái sinh sản, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 6.000 con lợn giống. Bên cạnh đó, do chủ động về con giống, trang trại của ông mỗi năm xuất hơn 70 tấn lợn siêu nạc thương phẩm.

Về xóm 7, xã Hải Tây (Hải Hậu), chúng tôi đến thăm CCB Hoàng Xuân Phương. Nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phương xúc động kể: Tháng 3-1967, ông xung phong nhập ngũ lên đường cầm súng đánh giặc. Là chiến sĩ đặc công, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Dương. Ngày 29-2-1967, trong trận đánh kho hậu cần Long Bình (Bình Dương), tổ trinh sát của ông gồm 5 người bị địch phát hiện, chúng xả đạn ác liệt, 2 đồng đội của ông hy sinh tại chỗ; 3 người, trong đó có ông bị thương nặng. Máy bay địch càn qua, chúng phát hiện ra ông trong tình trạng bất tỉnh và đưa về trại giam Biên Hòa. Từ đó, ông bắt đầu những ngày tháng lưu đày qua các nhà tù của địch. Từ trại giam Biên Hòa, chúng chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc. Tại phòng giam có nhiều đồng chí chung hoàn cảnh với ông bị địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đã dùng đến mọi cực hình nhưng chúng không khuất phục được các ông. Năm 1973, Hiệp định Pa-ri ký kết, ông thoát khỏi nhà tù đế quốc. Đến năm 1974, ông trở về địa phương. Với thương tật 35%, với nghị lực và quyết tâm của mình, ông Phương đã từng bước vươn lên “thoát ngèo”, có của ăn, của để, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Hải Hậu. Hiện nay, ông là Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Hải Tây, báo cáo viên cấp huyện, tích cực tham gia công tác xã hội, khuyến học, khuyến tài.

Vượt qua nỗi đau về thể xác do di chứng của chiến tranh để lại, các CCB đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”./.

Hoàng Dung Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com