Cơi nới thùng xe, hoán cải các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT và BVMT) của xe rồi chở quá tải... trở thành vấn nạn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chung và là mối hiểm họa khôn lường đối với người tham gia giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, gây bức xúc trong nhân dân từ nhiều năm nay. Để tập trung giải quyết triệt để vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, các ngành chức năng đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm về xử lý xe ô tô vi phạm các quy định về ATKT theo kế hoạch phối hợp lực lượng liên ngành của Công an tỉnh và Sở GTVT.
Nhân viên Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định (Sở GTVT) kiểm tra điều kiện bảo đảm quy định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô. |
Để công tác kiểm soát, xử lý đạt kết quả cao nhất, trước khi ra quân xử lý, hai ngành Công an, GTVT đã tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATKT và BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông Nam Định, phát tờ rơi thông tin các thông số kiểm tra ATKT và BVMT để nâng cao nhận thức cho lái xe, chủ xe về các thông số kỹ thuật phương tiện được phép cải tạo và sự cần thiết bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Tổ chức rà soát, thống kê phương tiện vi phạm ATKT và BVMT; tập trung rà soát các cơ sở cải tạo xe, doanh nghiệp, cơ sở vận tải có xe khách, xe tải chở vật liệu, xe tải có gắn cẩu, xe tải chở hàng đường dài... Tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ về quy chuẩn quốc gia số 09:2011/BGTVT; quy chuẩn quốc gia số 11:2011/BGTVT; xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi vi phạm về ATKT và BVMT của phương tiện giao thông theo Nghị định 171/2014/NĐ-CP. Công an tỉnh đã quán triệt cho lực lượng trực tiếp tham gia phương án phối hợp, thực hiện nghiêm túc quy trình công tác kiểm tra, xử lý đúng pháp luật đối với các phương tiện quá tải theo kế hoạch đề ra. Phân công, bố trí các tổ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, mỗi tổ có 9 người bao gồm lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự và nhân viên đăng kiểm do cán bộ cảnh sát giao thông và cán bộ đăng kiểm phụ trách. Đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11-2014, tập trung xử lý các hành vi vi phạm: tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe, lắp thêm ghế trên xe để vận chuyển hàng hóa, hành khách. Tự ý thay đổi tổng thành khung, máy, hệ thống phanh, hệ thống truyền động, hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe, sử dụng Giấy chứng nhận, tem kiểm định ATKT và BVMT không do cơ quan có thẩm quyền cấp, xe quá hạn kiểm định, điều khiển xe quá niên hạn sử dụng... Không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe quy định phải gắn thiết bị) hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không có dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy đối với loại xe quy định phải có... Trong 3 tháng đã kiểm tra 130 xe, lập biên bản xử lý 25 trường hợp vi phạm các lỗi sai cỡ lốp, sai ghế, thiếu dây đai, thiếu búa thoát hiểm, thiếu bình cứu hỏa, vỡ kính, sai kích thước chiều cao, biển kiểm soát không đầy đủ. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông trong 3 tháng cũng đã xử lý 68 trường hợp vi phạm không có kiểm định ATKT và BVMT hoặc kiểm định hết hạn, thiết bị an toàn không đảm bảo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, tự ý thay đổi kết cấu. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định và thực hiện đúng quy trình công tác nên trong thời gian thực hiện “chiến dịch”, không xảy ra trường hợp chống đối, gây khó khăn cho lực lượng liên ngành, không để xảy ra ùn tắc, TNGT; phần lớn các lái xe đã bước đầu chấp hành tốt các quy định về ATKT và BVMT, nhất là đối với vi phạm tự ý cải tạo phương tiện, tự ý cơi nới thùng chở hàng, lắp thêm ghế hoặc tháo bỏ bớt ghế ngồi để chở hàng; các vi phạm chủ yếu là thiếu đèn, lắp các loại lốp xe không đúng quy định hoặc lốp mòn, rách, không đảm bảo an toàn. Sau đợt cao điểm kiểm tra, tình trạng cơi nới thành xe, thùng hàng, không bảo đảm ATKT và BVMT đã giảm đáng kể. Cũng qua đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng liên ngành đã chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng vi phạm này là hiệu quả công tác tuyên truyền còn hạn chế, một số lái xe chưa nắm được đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn ATKT của phương tiện. Cũng có một số lái xe nắm bắt thông tin, cố tình trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng liên ngành; tổ chức nhiều xe đi theo đoàn gây khó khăn cho việc kiểm tra vì lực lượng chức năng không thể dừng cùng một lúc nhiều phương tiện tránh gây ách tắc giao thông, do đó, còn tình trạng xe vi phạm nhưng sót, lọt qua trạm kiểm tra. Do hạn chế về nhân lực nên mới chỉ tổ chức phối hợp tại trạm kiểm tra, chưa thể kiểm tra cơ động. Lực lượng cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường khó khăn trong phát hiện vi phạm về ATKT và BVMT do chưa được trang bị các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng như máy đo khí thải, máy đo âm lượng, tiếng ồn.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý xe ô tô vi phạm các quy định về ATKT và BVMT, lực lượng liên ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của xã hội. Hai ngành GTVT và Công an tỉnh làm tốt công tác nắm tình hình trật tự ATGT, hoạt động vận tải tại các tuyến giao thông, các điểm dừng để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp và thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời tồn tại, vướng mắc phát sinh. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và thực hành việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Chủ động dự báo các tình huống phức tạp có thể xảy ra và đề ra biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đề xuất với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu lộ trình kiểm soát xe vi phạm cho phù hợp với thực tế hiện nay; trong đó, bước đầu xử lý ngay các lỗi vi phạm xe cơi nới thùng hàng, xe chở khách thay đổi kết cấu, tính chất chuyên chở, các xe còn lại có lộ trình nhất định. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới, cải tạo xe, thùng hàng để tuyên truyền, nhắc nhở ngăn chặn việc cơi nới thùng hàng, thùng ben chở quá tải trọng cho phép. Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định từ ngày 1-12-2014, tất cả xe cơ giới phải duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua biện pháp bảo dưỡng bắt buộc hoặc sửa chữa theo yêu cầu, trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra để đưa ra giải pháp phù hợp và phải được bảo dưỡng theo chu kỳ quy định, góp phần phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của xe khi đưa vào tham gia giao thông./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy