Giao Thủy với công tác đền ơn đáp nghĩa

09:12, 22/12/2014

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Giao Thủy có trên 24 nghìn người lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu ở khắp các chiến trường. Toàn huyện có 2.734 liệt sĩ, 2.150 thương binh, bệnh binh, 134 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong huyện luôn quan tâm thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ông Nguyễn Văn Thực (bên trái), tổ dân phố 1, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) là bệnh binh 81%. Năm 2013, gia đình ông được hỗ trợ 55 triệu đồng xây căn nhà mới với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thực (bên trái), tổ dân phố 1, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) là bệnh binh 81%. Năm 2013, gia đình ông được hỗ trợ 55 triệu đồng xây căn nhà mới với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Toàn huyện hiện có trên 7.000 người có công được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, trong đó có 20 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Hằng năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện tổ chức thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ ưu đãi cho con người có công là học sinh, sinh viên; tổ chức rà soát, cấp đổi thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng người có công. Trong năm 2014, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã lập danh sách tăng 7 người được cấp thẻ BHYT và cắt thẻ BHYT 19 người đã qua đời; đề nghị cấp thẻ BHYT cho 465 đối tượng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Hằng năm, huyện thực hiện tốt chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị cho diện đối tượng người có công. Năm 2014, huyện đã lập danh sách, đề nghị thực hiện chế độ điều dưỡng cho 1.390 người có công, trong đó 79 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công (Hà Nội), 1.311 người điều dưỡng tại gia đình. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB và XH đã đề nghị Sở LĐ-TB và XH cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 465 trường hợp; triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 28 về việc lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ như thương binh không còn giấy tờ; tổ chức triển khai công tác rà soát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23 của Chính phủ và triển khai thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ theo Nghị định số 31/2003/NĐ-CP của Chính phủ… Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách, chuyển quà đúng, đủ, kịp thời đến đối tượng người có công được nhận quà của Chủ tịch nước, huyện và các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm, viếng đền, nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2014), huyện Giao Thủy đã chuyển 6.514 suất quà của Chủ tịch nước, với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng đến các đối tượng. Huyện đã tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng như: tặng 6.542 suất quà cho 6.542 người có công, với tổng số tiền 996 triệu đồng; tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà động viên hàng trăm gia đình liệt sĩ tiêu biểu, thương binh, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện. Huyện Đoàn Giao Thủy phối hợp cùng Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn  tổ chức  thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền liệt sĩ huyện và Nghĩa trang liệt sĩ 22 xã, thị trấn. Cũng trong dịp này, Đoàn thầy thuốc quê hương Giao Thủy tại Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức khám, tư vấn sức khỏe và phát quà cho 500 gia đình có công với cách mạng tiêu biểu trong huyện. Những năm qua, huyện đã phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Hằng năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện và các xã, thị trấn đã huy động được hàng trăm triệu đồng hỗ trợ hàng trăm gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện đều được các cơ quan, đơn vị trong huyện nhận phụng dưỡng đến hết đời…

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách. Phát động phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nhất là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu, khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn của xã hội để chăm sóc tốt hơn nữa các đối tượng chính sách./.

Bài và ảnh: Minh Tân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com