“Bé ơi, chờ anh nhé. Anh cố nhoài người sát vào cửa kính ô tô để tìm đôi mắt đen lay láy đang dõi theo anh trong biển người tiễn đoàn quân lên đường làm nhiệm vụ”. Đó là những dòng mở đầu chan chứa chất thơ, xúc cảm mà chồng chị Hoàng Ngọc Lanh, công nhân Cty CP May Sông Hồng viết cho chị từ ngày 2 người còn yêu nhau và được chị “tái hiện” lại trong đoạn đầu bài dự thi Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Cũng như hàng nghìn người khác, chị Lanh dành tình cảm đặc biệt cho cuộc thi, cho những người lính. Bởi theo chị, cuộc sống ấm no, thanh bình chúng ta được thụ hưởng hôm nay phải đổi bằng máu xương của hàng triệu người lính, là sự mất mát hy sinh của các gia đình thương binh, liệt sĩ... Trong niềm tự hào chung về một lực lượng làm nên những cuộc trường chinh vĩ đại, chị có thêm niềm vui khi chồng cũng là một người lính.
Ban tổ chức cuộc thi trao giải thưởng cho các thí sinh đoạt giải trong cuộc thi. |
Được phát động vào trung tuần tháng 9, sau hơn 1 tháng triển khai, Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ CHQS tỉnh, Sở GD và ĐT, Hội CCB, Hội LHPN, LĐLĐ, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức đã nhận được hơn 360 nghìn bài dự thi của đoàn viên, thanh, thiếu niên, quân và dân trong tỉnh. Đằng sau mỗi trang giấy là những kỷ niệm, tình cảm, hồi ức của mỗi người đối với những lớp người mà cả dân tộc này quen gọi bằng cái tên thân thương - Anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó, có những bài dự thi rất đặc biệt, được đầu tư nhiều tâm sức và thời gian. Có thể kể đến một số bài dự thi, như bài đoạt giải đặc biệt của nhóm “Tự hào C500”, Học viện An ninh nhân dân. 100 học viên trẻ của Học viện, chủ yếu là người con quê hương Nam Định, trong vòng hơn 1 tháng đã hoàn thiện bài thi với 12 quyển sách viết rất dày dặn, mỗi quyển dài từ 200-300 trang. Ngoài ra, nhóm còn tóm tắt câu trả lời bằng hình ảnh với clip dài 5 phút, 1 mô hình để trình bày tác phẩm. Các thành viên trong nhóm chia sẻ: “Đối với thế hệ trẻ chúng em, hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ QĐND Việt Nam gợi lên rất nhiều suy nghĩ. Đó là những con người đã làm nên niềm tự hào dân tộc trong những chiến công oanh liệt. Đó còn là tinh thần dũng cảm, yêu nước can trường chỉ có ở người lính. Năm xưa, những người trai trẻ ấy cũng có tuổi thanh xuân như chúng em, khi Tổ quốc lâm nguy sẵn sàng gác nghiệp nghiên bút, bỏ tay cày… để cầm chắc tay súng. Càng tự hào, chúng em càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước”…
“Bố em là một người lính đang công tác ở Trường Sa. Những ngày bố được về phép, cả nhà em rất vui. Bố bận công tác nên rất ít khi được về nhà. Nhớ bố, em chỉ có thể gọi điện thoại hỏi thăm bố có khỏe không, bố ăn uống thế nào. Bố luôn dặn em phải chăm chỉ học hành, vâng lời ông bà và mẹ. Khi làm bài thi, em nghĩ đến bố em, nên em có thêm động lực để làm bài. Khi đó em thấy hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ vô cùng gần gũi”. Đó là những tâm sự vừa chân thật, vừa hồn nhiên của cô bé Trần Hà Linh, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lộc Hạ, Thành phố Nam Định. Nhớ bố, trong bài thi của mình, Linh đã viết tay hàng trăm trang giấy dự cuộc thi và giành giải thí sinh nhỏ tuổi nhất có bài dự thi xuất sắc. Ngoài ra còn có thể kể đến một số bài dự thi ấn tượng khác đoạt các giải: Bài dự thi viết tay công phu nhất của bác Hoàng Cao Giáp, CCB xã Xuân Thượng (Xuân Trường); bài dự thi trình bày ấn tượng nhất của bác Nguyễn Thị Gương, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thị trấn Yên Định (Hải Hậu); bài dự thi có ý tưởng sáng tạo độc đáo của đoàn viên Trần Văn Bắc, xã Xuân Tân (Xuân Trường), hay bài dự thi của chị Lanh, thường được bắt đầu viết vào lúc 11h đêm sau mỗi ca làm việc và kết thúc vào lúc 2 đến 3h sáng ngày hôm sau… Từ trên 360 nghìn bài dự thi, Ban tổ chức đã chọn trao 10 giải cho tập thể các huyện, thành phố; trong đó đơn vị Thành phố Nam Định đoạt giải nhất, huyện Hải Hậu đoạt giải nhì. Ban tổ chức cũng trao 36 giải cá nhân với cơ cấu từ giải đặc biệt đến các giải khuyến khích. Với số lượng bài thi lớn, chất lượng, sau khi gửi lên Trung ương, tỉnh ta đã đoạt giải nhì toàn quốc, chỉ đứng sau đoàn Quân đội về số lượng bài dự thi. Đặc biệt, bài dự thi của Đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Cả, Thành phố Nam Định vinh dự nhận giải khuyến khích cá nhân. Bỏ rất nhiều tâm huyết với bài dự thi dài hơn 100 trang giấy, Đại đức Thích Thanh Hải chia sẻ: “Đánh giặc giữ nước là nhiệm vụ chung của cả dân tộc, không ngoại trừ tăng, ni, phật tử. Khi vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, các tăng, ni cũng sẵn sàng cởi áo cà sa ra trận. Đại đức Thích Quảng Đức đã tự thiêu giữa Sài Gòn để phản đối chế độ Mỹ, Diệm, ủng hộ hòa bình, chúng tôi đều ghi nhớ. Năm xưa, tại chùa Cổ Lễ, Trực Ninh, Hòa thượng Thích Thế Long, trụ trì cũng đã đọc trong lễ phát nguyện cho 27 tăng, ni ra chiến trường bài nguyện “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” nức lòng tăng, ni: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào. Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao. Ra đi quyết rửa thù cứu nước. Vì nghĩa, quên thân hiến máu đào”… Khi viết bài thi, tôi có dịp ôn lại những truyền thống đó, từ đó càng thêm tự hào, nhắc nhở thế hệ chúng ta ngày nay phát huy truyền thống vẻ vang xưa để dựng xây Tổ quốc”.
Một cuộc thi chưa phải là đủ để tuổi trẻ, các tầng lớp nhân dân thể hiện hết tình yêu, niềm tự hào về những người lính, về QĐND Việt Nam anh hùng. Nhưng dư âm để lại sau cuộc thi đã kịp thắp sáng lên bầu nhiệt huyết trong trái tim của mọi người ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc, về tình cảm quân dân thắm thiết, đúng như tâm sự của CCB Đặng Ngọc Dung (TP Nam Định): “Thế hệ trẻ ngày hôm nay rất may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Độc lập, tự do rồi, mong mọi người đừng quên quá khứ để tiếp tục cống hiến, xây dựng đất nước”./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân