Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở khu vực nông thôn có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những biện pháp mà Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là thường xuyên phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng (xóm, thôn, TDP, khu dân cư) văn hóa.
HND các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện các nội dung của phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, xóm, khu dân cư văn hóa bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù ở địa phương; thường xuyên phối hợp với ngành văn hóa tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, TDTT, cho cán bộ, hội viên nông dân như: Tổ chức các lớp tập huấn, in và phát hành sách, tài liệu về văn hóa, xây dựng NTM, xây dựng các quy chế, quy ước nếp sống văn hóa; dàn dựng và biểu diễn một số chương trình, tiểu phẩm sân khấu về NTM phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh; tổ chức tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, tuyên truyền về “biển, đảo quê hương”, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Chương trình nghệ thuật quần chúng của đội văn nghệ HND xã Hải Đường (Hải Hậu) tham gia Hội thi với đề tài “Xây dựng NTM” toàn quốc đạt giải cao.
Cán bộ HND tỉnh thăm gia đình ông Phạm Văn Thưởng, xóm 10, xã Hải Phương (Hải Hậu) - một điển hình gia đình nông dân văn hóa của huyện. |
Nhận thức sâu sắc về vai trò nền tảng và động lực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, HND tỉnh luôn coi trọng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. HND các cấp đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho hội viên, nông dân và nhân dân, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và ngày thành lập HND Việt Nam (14-10)… nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cán bộ, hội viên nông dân. Thông qua hoạt động của HND các cấp, ngành VH, TT và DL phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia đăng ký xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa gắn với 6 chuẩn mực “Gia đình nông dân văn hóa” và phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM”. Thông qua thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hóa” đã giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 436.955 hộ gia đình văn hóa, 912 CLB gia đình văn hóa trong đó có 293.386 hộ gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hóa; 90% làng (thôn, xóm), TDP đăng ký xây dựng đạt danh hiệu văn hóa; trong đó có 1.563 làng văn hóa, tổ văn hóa được UBND các huyện, thành phố cấp bằng công nhận, có 220/229 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa và 2.031 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến. Tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ thường xuyên là 21%; tỷ lệ tham gia các hoạt động TDTT thường xuyên là 28,5%; số gia đình thể thao năm 2011 là 18%, năm 2013 là 21,5%; tỷ lệ trẻ em tham gia các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí tại NVH thôn là 42%. Toàn tỉnh có 42.012 CLB đại diện cho các loại hình như Văn học nghệ thuật, thể thao, các CLB ngành, giới giúp nhau làm kinh tế ở nông thôn. Có 720 đội văn nghệ quần chúng ở cấp xã; trong đó có 200 đội mạnh làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ ở cơ sở; 1.299 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, làng sinh hoạt ở các loại hình ca múa nhạc, sân khấu. Nhiều hội thi “Nhà nông đua tài”, liên hoan “Tiếng hát đồng quê”… đã được tổ chức, tạo động lực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Nông dân khỏe để tăng gia sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hầu hết các địa phương đều có đội bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi, hiểu biết giữa cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngành VH, TT và DL và các cấp HND trong tỉnh đã huy động người dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn ngày công cùng các vật tư, vật liệu để xây mới và nâng cấp các cơ sở văn hóa, nhà truyền thống, điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao. Vì vậy, nhiều NVH, khu thể thao xã, thôn từng bước được chuẩn hóa theo quy định của Bộ VH-TT và DL, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT cho nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 179/209 NVH xã, đạt 78,1%; 1.774 NVH thôn, xóm (đạt 48,2%). Trong 96 xã tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, có 57 NVH xã có diện tích từ 500m2 trở lên; 36 trung tâm thể thao xã có diện tích trên 4.000m2. Có 1.202 NVH thôn, 820 khu thể thao thôn, trong đó có 528 NVH và 86 khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH, TT và DL. Điển hình như huyện Hải Hậu đã có 24 xã, thị trấn đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM của tỉnh; 538/545 xóm đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, hệ thống tủ sách pháp luật, thư viện tỉnh với hơn 4.000 bản sách bao gồm các loại: văn học, khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi… phục vụ nhu cầu đọc sách của bà con nông dân, giúp chuyển giao tiến bộ KHKT, đưa pháp luật, chủ trương chính sách, các vấn đề văn hóa, kinh tế - xã hội, khoa học đời sống đến với đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng ở những nơi có tủ sách đã có tác dụng nhất định.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã góp phần làm chuyển biến bộ mặt, đời sống tinh thần ở nông thôn theo hướng tích cực, trước hết là sự chuyển biến nhận thức trong thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, phường họ; các hủ tục lạc hậu, bói toán, mê tín dị đoan, tình trạng xích mích, gây gổ trong cộng đồng dân cư giảm nhiều so với trước. Nhiều tập quán tốt đẹp được củng cố, mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân được tốt hơn, tình hình an ninh trật tự ở từng làng, xóm được cải thiện nhiều góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa - xã hội, tạo điều kiện cho bà con nông dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn