Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); các biện pháp kỹ thuật về an toàn lao động được quan tâm thực hiện; điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện. Đạt được điều đó, trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ. Hằng năm, UBND tỉnh đều duy trì tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành; người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và nhân dân về công tác ATVSLĐ-PCCN. LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, các ngành quản lý sản xuất, kinh doanh, các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Từ đầu năm 2014 đến nay, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 9 cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN, thi an toàn vệ sinh viên giỏi; 16 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN; tổ chức 54 buổi tọa đàm về công tác ATVSLĐ-PCCN, thu hút gần 3.700 người tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở; phát 12.300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, kẻ vẽ 5.600 khẩu hiệu, băng rôn, 15 pa-nô, áp phích... tuyên truyền về Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; 2 lớp tập huấn cho 150 người là chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 10 lớp tập huấn cho 1.100 người là công nhân kỹ thuật vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và NLĐ làm các công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường; tổ chức 4 lớp tập huấn để hỗ trợ cho hơn 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ-PCCN. Các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho trên 25 nghìn lượt NLĐ, 32 cuộc thực hành PCCN, cứu hộ, cứu nạn với 3.500 người tham gia… Hầu hết các doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên từ tổ sản xuất; ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho các chức danh theo quy định. Các doanh nghiệp đã thực hiện việc trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại; tiến hành kiểm định, đăng ký các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ… Các biện pháp làm việc đảm bảo an toàn được nhiều cơ sở quan tâm thực hiện nhằm ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với NLĐ.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Cty TNHH Việt Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ-PCCN vẫn còn tồn tại những bất cập: Một số người sử dụng lao động và NLĐ chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, dẫn đến tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Việc lập hồ sơ theo dõi về công tác ATVSLĐ-PCCN chưa đầy đủ, công tác đảm bảo an toàn về điện trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để quá thời hạn kiểm định. NLĐ còn phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, bệnh nghề nghiệp như làng nghề đúc nhôm Bình Yên ở xã Nam Thanh (Nam Trực); làng nghề đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực)… Tình trạng làm thêm giờ liên tục và số giờ làm thêm quá 200 giờ/năm vẫn còn phổ biến ở các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức làm việc 3 ca mà không bố trí để công nhân nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác; có doanh nghiệp không trả phụ cấp (30%) làm ca đêm cho NLĐ… Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy đã được quan tâm phòng ngừa, song vẫn diễn biến khá phức tạp. Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chính sách, chế độ bảo hộ lao động, các kiến thức ATVSLĐ đến các doanh nghiệp và NLĐ. Tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ; hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; xây dựng, trang bị đầy đủ nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, trang cấp thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ cá nhân cho người lao động. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm./.
Bài và ảnh: Minh Tân