Tuổi trẻ Liêm Hải làm giàu trên quê hương

08:11, 10/11/2014

Những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Liêm Hải (Trực Ninh) tích cực tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiều ĐVTN đã xác định tự vươn lên xây dựng cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, với tinh thần “ly nông bất ly hương”.

Mặc dù có bằng cử nhân Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng và bằng cử nhân Quản lý kinh doanh của Trường Đại học Hà Nội nhưng anh Nguyễn Ngọc Thụy (SN 1982) lại chọn cách trở về quê hương lập nghiệp. Tốt nghiệp 2 trường đại học, sau một thời gian “đầu quân” cho Cty 789 Bộ Quốc phòng, năm 2007, anh Thụy gom góp hết số vốn liếng, vay thêm anh em, bạn bè về quê thành lập Cty Thiết bị thực phẩm Trường Thụy. Cty của anh chuyên sản xuất, lắp đặt các loại máy chế biến thực phẩm như máy làm bún, máy làm phở, máy nghiền đậu, ngô, máy xay giò… Anh Thụy chia sẻ: “Làm trong Cty Nhà nước rất ổn định. Tuy nhiên, nguyện vọng của tôi là được thành lập Cty riêng, để thỏa sức kinh doanh và làm những điều mình mơ ước bấy lâu”. Ban đầu, cả Cty chỉ có khoảng 5-7 lao động, thị trường tiêu thụ cũng rất khó khăn. Không nản chí, một mặt anh động viên anh em trong Cty cùng cố gắng, mặt khác, anh chịu khó mày mò thêm để cải tiến kỹ thuật cho sản phẩm. Anh tâm sự: “Tôi muốn bắt đầu công việc từ vị trí một người thợ chứ không phải người quản lý. Vì chúng tôi bán sản phẩm là máy móc nên nếu không giỏi kỹ thuật thì sẽ rất khó để đánh giá chất lượng sản phẩm”. Cứ như vậy, chậm mà chắc, lấy ngắn nuôi dài, dần dà anh Thụy đã khắc phục được những khó khăn trước mắt. Năm 2008, là thời kỳ làm ăn phát đạt của Cty, doanh thu trong năm đạt mốc gần 1 tỷ đồng. Đến năm 2010, từ lãi sản xuất, kinh doanh những năm trước, anh có thêm tiền để đầu tư xây mới 500m2 nhà xưởng, trị giá 480 triệu đồng. Cùng với mở rộng nhà xưởng, anh Thụy có điều kiện tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện, Cty của anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động; hằng tháng Cty sản xuất khoảng 100 sản phẩm máy móc, mức lương trung bình khoảng 3,7 triệu đồng/người/tháng. Các loại máy chế biến thực phẩm của anh không chỉ có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước mà còn được xuất sang Lào và Căm-pu-chia. Anh Thụy từng được vinh danh là ĐVTN tiêu biểu trong phát triển kinh tế, đại diện cho ĐVTN toàn tỉnh đi dự Đại hội Thanh niên tiên tiến phát triển kinh tế vùng Bắc sông Hồng.

Anh Nguyễn Ngọc Thụy (bên trái) hướng dẫn thợ kỹ thuật lắp ráp máy.
Anh Nguyễn Ngọc Thụy (bên trái) hướng dẫn thợ kỹ thuật lắp ráp máy.

Giống như nhiều thanh niên khác trong xã, trước đây, anh Hoàng Văn Phong, xóm 6, Trực Liêm cũng phải tranh thủ lúc nông nhàn đi làm khắp nơi để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống bôn ba vẫn không thể giúp anh và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Được tổ chức Đoàn tuyên truyền, vận động, anh ý thức được rằng đi làm xa nhà có thể thu nhập cao hơn, nhưng lại không ổn định, “nay đây, mai đó”, đặc biệt là phải xa gia đình, quê hương. Do đó, anh quyết chí phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2008, thực hiện chương trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác của địa phương, anh bàn với vợ nhận đấu thầu của xã hơn 6 mẫu đất hai lúa cho năng suất thấp chuyển sang nuôi cá. Anh Phong nhớ lại khoảng thời gian khó khăn khi mới bắt đầu công việc: “Để có tiền đào ao, mua cá giống, tôi phải đi vay mượn khắp mọi nơi. Vay được tiền rồi thì lại gặp khó khăn do kỹ thuật nuôi trồng còn rất non kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ những người nuôi trước truyền lại”. Anh tự nhủ “trời không phụ công người chịu khó” và bắt tay vào đào ao thả cá, trên bờ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp trồng sanh và các loại cây ăn quả. Hiện tại, anh có ao nuôi cá giống và các loại cá thịt riêng như trắm cỏ, trôi, mè và cá chim trắng… Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có khoảng 50 con lợn thịt, vài trăm con ngan, gà, vịt… Nhờ tích cực đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật, dành thời gian, công sức nên mô hình VAC nhà anh luôn đạt hiệu quả cao và luôn đảm bảo tính bền vững. Từ mô hình này, trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, bình quân mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Thụy và anh Phong là 2 trong nhiều gương thanh niên Liêm Hải đang nỗ lực để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đoàn xã Liêm Hải hiện có 690 đoàn viên, sinh hoạt tại 39 chi đoàn cơ sở thôn xóm. Phần lớn, ĐVTN trong xã đều có công việc cho thu nhập ổn định. Bên cạnh sự nỗ lực, năng động của ĐVTN, BCH Đoàn xã có nhiều biện pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Từ đầu năm 2014 đến nay, Đoàn xã Liêm Hải đã chủ động phối hợp với HND, Ban Nông nghiệp xã mở 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thu hút hàng trăm ĐVTN tham gia. Được sự giúp đỡ của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, BCH Đoàn xã đã mở lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản, thời gian học 3 tháng, thu hút hàng chục ĐVTN… Bên cạnh đó, Đoàn xã còn tổ chức các chương trình tư vấn, giao lưu, gặp gỡ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện để giới thiệu việc làm cho ĐVTN… Toàn xã hiện có trên 10 Cty, cơ sở sản xuất cơ khí do ĐVTN làm chủ, tạo việc làm cho khoảng 100 thanh niên, mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn xã có khoảng 20 cơ sở may tư nhân nhỏ lẻ, mỗi cơ sở may tạo việc làm cho 15 lao động; mức thu nhập bình quân đạt 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều ĐVTN chú trọng phát triển kinh tế gia trại chăn nuôi, quy mô từ 30-100 con lợn và nuôi trồng các loại thủy sản cho thu nhập khoảng 50-100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong hộ ĐVTN không còn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 4%.

Để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương, Đoàn xã Liêm Hải mong muốn nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các kênh Ngân hàng CSXH và nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn để nhiều thanh niên được vay vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com