Theo thống kê, năm 2013, trên địa bàn huyện Trực Ninh có 3.638 hộ nghèo, chiếm 4,96% tổng số hộ; dự kiến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,1%. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các biện pháp giảm nghèo bền vững.
Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, UBND huyện đều kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó xây dựng triển khai thực hiện chính sách và các giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo 2011-2015 của UBND huyện, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo và triển khai công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo 2011-2015 của huyện. Các hộ nghèo, cận nghèo luôn được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục. Những năm qua, 100% số người nghèo trong huyện được cấp thẻ BHYT theo quy định của Nhà nước. Năm 2014, toàn huyện có 11.458 người nghèo và trên 18 nghìn người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Đối với chính sách hỗ trợ GD và ĐT, hiện nay, gần 1.300 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ gần 14,2 tỷ đồng; hằng năm có trên 2.500 học sinh con hộ nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng… Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên có nguy cơ nghỉ học được tiếp tục đến trường. 9 tháng đầu năm, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền 980 triệu đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, trong năm 2013, từ nguồn quỹ hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nguồn vốn khác, toàn huyện đã hỗ trợ 522 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 4,176 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện phát động hằng năm được trên 200 triệu đồng, mỗi năm hỗ trợ 40 hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở. Có nhà ở vững chãi, các hộ nghèo đã yên tâm lao động, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo vào tháng 9-2014, hiện nay, huyện đang triển khai kế hoạch hỗ trợ 576 hộ nghèo xây mới, sửa chữa cải thiện nhà ở với tổng kinh phí 4,25 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Hường, ở xóm An Định, xã Trực Chính thuộc diện hộ nghèo, sức khỏe yếu, được Quỹ Vì người nghèo huyện hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà mới. |
Nhằm giải quyết khó khăn cơ bản của hộ nghèo là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, huyện chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Trong 10 tháng năm 2014, có gần 1.300 lượt hộ nghèo trong huyện được vay vốn với tổng doanh số cho vay gần 26 tỷ đồng. Hiện nay, có 2.864 hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ 55 tỷ đồng. Công tác quản lý vốn vay được thực hiện chặt chẽ, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Theo đồng chí Phạm Quang Dương, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Trực Ninh, một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương giảm nghèo bền vững là việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong 10 tháng năm 2014, huyện đã tổ chức dạy nghề cho 545 lao động theo Quyết định 1956, gồm 300 người học nghề nông nghiệp, 245 người học nghề phi nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các đoàn thể: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHKT mới; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và hướng dẫn cách làm cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Hằng năm, có hàng nghìn lượt hộ nghèo được tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng mô hình trình diễn với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó nhiều lao động thuộc diện nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho hộ nghèo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ đầu năm 2014 đến nay có trên 1.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,1%.
Tuy nhiên công cuộc giảm nghèo ở huyện Trực Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều hộ thoát nghèo sau một thời gian lại tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, như trong năm 2013 có 105 hộ tái nghèo và phát sinh 954 hộ nghèo mới. Một số hộ nghèo còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, bảo trợ xã hội của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để hưởng ưu đãi. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất ưu đãi còn hạn chế… Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Trực Ninh tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân./.
Bài và ảnh: Minh Tân