Triển khai thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập trên địa bàn tỉnh

07:11, 01/11/2014

Việc triển khai mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thử nghiệm các mô hình cụ thể đối với các nhóm đối tượng, các vùng miền khác nhau; thử nghiệm cách tổ chức, bình xét, công nhận bảo đảm đơn giản, gọn nhẹ, chính xác; tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện Bộ tiêu chí và cách đánh giá, công nhận các mô hình để triển khai đại trà từ năm 2016. Để việc triển khai thí điểm có hiệu quả, Hội Khuyến học tỉnh đã chỉ đạo chọn Hội Khuyến học 4 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu và Ý Yên (các đơn vị có 50-70% số xã, thị trấn có phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đánh giá tốt); các huyện, thành phố còn lại sẽ chọn mỗi đơn vị 2 xã, phường, mỗi xã, phường chọn 2 thôn làng, 2 dòng họ, 2 gia đình tiêu biểu xây dựng thí điểm để cụ thể hóa thành bộ tiêu chí cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Ban khuyến học dòng họ Dương ở làng Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Ban khuyến học dòng họ Dương ở làng Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của con em mình.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học ở tỉnh ta được triển khai ngay từ khi thành lập Hội năm 1997 nên đến nay, toàn tỉnh đã có 323.966 gia đình hiếu học, bằng 53% số gia đình của tỉnh, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước đó, xếp thứ nhất trong cả nước. Trong 229 xã, phường, thị trấn của tỉnh, có 67 đơn vị có 60% số hộ gia đình trở lên được công nhận gia đình hiếu học. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng gia đình hiếu học đã góp phần xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Gia đình hiếu học đã là nhân tố mới trong cuộc vận động giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. So với các tiêu chí cũ thì việc đánh giá gia đình học tập tăng thêm một bước, với 5 tiêu chí (gia đình hiếu học có 3 tiêu chí). Trong đó, để đạt được danh hiệu gia đình học tập, con em trong độ tuổi đi học phải được đến trường; kết quả học tập phải đạt từ trung bình trở lên, không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Người lớn trong gia đình đều tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào cuộc vận động mọi người học tập suốt đời và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Gia đình có truyền thống hiếu học, giúp đỡ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Gia đình tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đời sống ổn định và từng bước phát triển. Gia đình tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Huyện Giao Thủy có gia đình ông Ngô Văn Dương ở xã Giao Xuân, là một trong những hộ cận nghèo của xã. Mặc dù làm nông nghiệp, vợ lại ốm đau quanh năm nhưng gia đình ông luôn nung nấu khát vọng nuôi con ăn học để có ngày con đỗ đạt thành tài, làm vẻ vang cho gia đình, dòng tộc. Để phát triển kinh tế, ông Dương đã tích cực tham gia học tại các lớp học tập cộng đồng về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp của gia đình có năng suất cao hơn trước, góp phần nuôi con cái ăn học. Con trai lớn Ngô Doãn Cường là học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đỗ thủ khoa Đại học Xây dựng với 28,5 điểm, được Quỹ Khuyến học Lương Thế Vinh trao thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập. Con gái Ngô Thị Duyên cũng là học sinh giỏi và hiện đang học tại Trường Đại học Sư phạm II Hà Nội. Gia đình ông được công nhận là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa và đạt tiêu chí gia đình học tập. Mỗi gia đình học tập sẽ góp phần làm nên một dòng họ học tập. Dòng họ học tập phải đạt 5 tiêu chí gồm: 50% trở lên số gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; trong dòng họ không có con em bỏ học, mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật; phong trào học tập suốt đời của người lớn trong dòng họ được khuyến khích, động viên, tạo điều kiện; tỷ lệ người lớn trong dòng họ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng nhiều; quỹ khuyến học của dòng họ ngày càng tăng, hoạt động tích cực, hiệu quả; dòng họ tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; các gia đình trong dòng họ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đời sống từng bước phát triển. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 4.397 dòng họ hiếu học và 3.317 cộng đồng khuyến học. Trong đó, huyện Nam Trực có 541 dòng học đăng ký trở thành dòng họ hiếu học, đạt 83% tổng số dòng họ; huyện Ý Yên có 865 dòng họ đăng ký, đạt 82%. Toàn tỉnh cũng đã có 564 dòng họ được các huyện, thành phố trao bức trướng “Khuyến học, khuyến tài”. Tiêu biểu như dòng họ Dương ở làng Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) có 50 gia đình và 153 nhân khẩu. Mặc dù sinh sống phần lớn đều dựa vào nông nghiệp, nhưng phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, mọi gia đình đều quan tâm, coi trọng việc học hành của con cháu, đồng thời vận động mọi người tích cực tham gia học tập chuyên đề tại trung tâm học tập cộng đồng xã, tham khảo các mô hình phát triển kinh tế, tìm hiểu chính sách pháp luật… để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống. Những năm qua, dòng họ đã vận động xây dựng quỹ khuyến học được gần 50 triệu đồng, trong 5 năm qua đã khen thưởng cho trên 500 học sinh, sinh viên học giỏi. Hiện tại, dòng họ có 5 tiến sĩ, gần 30 cháu đang học đại học, trong đó năm 2014 có 14 cháu đỗ vào các trường đại học. Dòng họ đã nhiều lần được các cấp Hội Khuyến học khen thưởng. Hiện tại toàn tỉnh có 3.033 cộng đồng khuyến học ở các thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, nhà chùa, xứ họ đạo. Tiêu chí để xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng học tập là: Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi. Tỷ lệ người lớn tuổi tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng tăng. 50% gia đình của thôn/tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”. Có sự quan tâm của cấp ủy Đảng và lãnh đạo thôn, tổ dân phố và có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân ở cộng đồng. Thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đời sống kinh tế của các hộ gia đình ở cộng đồng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Hiện tại, nhiều khu dân cư trong tỉnh đã hội đủ các tiêu chí trên, căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian tới các địa phương trong tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao để xây dựng và nâng cao hơn nữa các cộng đồng học tập để làm thí điểm cho địa phương nhằm nhân rộng trong toàn tỉnh vào năm 2016.

Với các mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng học và cộng đồng thông qua việc triển khai các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 có 70% đến 72% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% đến 52% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”, 60-62% cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. 50-52% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com