Tăng cường công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế

07:11, 06/11/2014

Theo số liệu của Sở Y tế, đến hết tháng 10-2014, toàn tỉnh có 1.037 bác sĩ. Trong số 849 bác sĩ hiện đang công tác trong ngành Y tế có 349 người đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế tuyến tỉnh; tại các bệnh viện, trung tâm y tế, dân số tuyến huyện, thành phố là 292 người; tại trạm y tế tuyến xã là 190 người, số còn lại đang công tác tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, bệnh viện tư nhân và các phòng khám tư nhân. Ngành Y tế tỉnh hiện đang cần thêm 179 bác sĩ về công tác tại các đơn vị trong ngành. Toàn ngành có 57 dược sĩ đại học đang công tác tại các đơn vị y tế; so với yêu cầu còn thiếu 11 dược sĩ. Về chất lượng nguồn nhân lực, chưa có nhiều cán bộ giỏi, chuyên gia đầu ngành. Như vậy, nguồn nhân lực y tế của tỉnh đang thiếu về số lượng và chưa bảo đảm chất lượng.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) khám bệnh cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) khám bệnh cho người dân.

Từ thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh và Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Sở Y tế đã cử 63 cán bộ đi học bác sĩ và đã tốt nghiệp trong các năm từ 2013-2016. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học như: khi tuyển dụng các bác sĩ, dược sĩ đại học sẽ được hỗ trợ 15% lương khởi điểm theo quy định của Nhà nước trong thời gian tập sự với mức quy định là bác sĩ được hỗ trợ 9 tháng; dược sĩ đại học được hỗ trợ 12 tháng. Tỉnh cho phép ngành Y tế tuyển dụng 3 tháng một lần đối với bác sĩ để thu hút số bác sĩ mới ra trường; số bác sĩ được tuyển thẳng chủ yếu được bố trí làm việc theo nguyện vọng công tác. Ngoài ra, ngành Y tế tạo điều kiện cho các bác sĩ làm việc đúng chuyên môn được đào tạo; các đơn vị tạo điều kiện thu nhập tăng thêm cho các bác sĩ theo khả năng nguồn thu của từng đơn vị. Trong quá trình công tác, ngành Y tế tạo điều kiện cho các bác sĩ được đi đào tạo thêm về chuyên môn, chuyên ngành, sau đại học… Tuy đã có nhiều đổi mới trong chính sách đào tạo, thu hút, song số lượng bác sĩ, dược sĩ được bổ sung từng năm chưa đáp ứng được sự thiếu hụt trong ngành Y tế. Trong khi đó, nhiều cán bộ công tác trong ngành đến tuổi nghỉ hưu, một số bác sĩ có năng lực chuyên môn chuyển công tác lên tuyến trên; nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được mở rộng, có nhu cầu tuyển dụng nhiều bác sĩ, dược sĩ đại học. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là chính sách của tỉnh mới chỉ hỗ trợ 15% lương khởi điểm theo quy định của Nhà nước trong thời gian tập sự (bác sĩ 9 tháng; dược sĩ đại học 12 tháng) nên chưa đủ sức thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh. Quy định của tỉnh sau 5 năm các bác sĩ, dược sĩ mới được đi học sau đại học là quá lâu, trong khi các trường đại học chỉ yêu cầu 2 năm công tác được đi học sau đại học. Mặt khác trong những năm tới, dự báo nguồn nhân lực y tế biến động do có sự chuyển đổi cơ chế chính sách; hệ thống y tế ngoài công lập phát triển thu hút một phần nguồn nhân lực y tế công lập ra ngoài công lập làm việc; số lượng bác sĩ, dược sĩ sẽ tiếp tục thiếu hụt do đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí, một số lượng cán bộ chuyển vùng do hợp lý hoá gia đình, do nguyện vọng cá nhân, do điều động của cấp trên (tỉnh, Bộ Y tế) và các nguyên nhân khác...

Nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2015 và năm 2020, theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2010-2015) và Quy hoạch phát triển ngành Y tế đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt là: Giai đoạn 2011-2015 phấn đấu 6,9 bác sĩ /1 vạn dân; 1,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Giai đoạn 2015-2020, phấn đấu 9 bác sĩ /1 vạn dân; 2,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Như vậy dự tính đến năm 2020 tỉnh cần bổ sung 1.015 bác sĩ (935 bác sĩ cho tuyến tỉnh và huyện, 80 bác sĩ cho tuyến xã). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỉnh ta mới có 5,93 bác sĩ/1 vạn dân, hơn 72% trạm y tế xã có bác sĩ. Để thực hiện chỉ tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, cần tập trung phát triển đội ngũ cán bộ y tế đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao, đồng thời đề ra nhiều chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế cho các chuyên khoa khó tuyển và y tế tuyến cơ sở. Cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ y tế của chuyên ngành khó tuyển và y tế cơ sở. Duy trì đề án bệnh viện tuyến trên cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp động viên, khuyến khích, tăng thu nhập và điều kiện sống, làm việc để giữ cán bộ y tế ở tuyến dưới, nhất là tuyến xã. Ngoài ra ngành tạo điều kiện cho các bác sĩ được đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chuyên ngành, đào tạo sau đại học nhằm nâng cao tay nghề, trình độ đội ngũ bác sĩ, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com