Thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động tiếp công dân theo hướng tăng cường đối thoại, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN-TC) phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Do đó, nhiều vụ việc KN-TC cơ bản đã được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các sở, ngành, địa phương đã chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ; tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết kịp thời những KN-TC, kiến nghị phản ánh của dân ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại xã Nam Vân (TP Nam Định). |
Để tạo chuyển biến trong công tác tiếp công dân, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết KN-TC của công dân. Ban TVTU đã quyết định thành lập các tổ công tác để trực tiếp đối thoại, giải quyết tại những nơi có vụ việc phức tạp; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng đối thoại để giải quyết dứt điểm các vụ việc KN-TC, nhất là các vụ việc tiếp khiếu, tiếp tố. Thành lập Hội đồng tư vấn gồm lãnh đạo, chuyên viên của một số sở, ngành để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vụ việc KN-TC phức tạp, kéo dài; chỉ đạo các sở, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh KN-TC như: Tài chính, kinh tế, đất đai, xây dựng cơ bản, an sinh xã hội. UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc KN-TC bức xúc, kéo dài. Trước các kỳ họp Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều thành lập tổ công tác tiếp công dân; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân, tăng cường đối thoại, giải trình các đề nghị của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cùng với lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan duy trì việc tiếp công dân vào ngày thứ tư, tuần thứ 2 hằng tháng. Qua tiếp công dân, UBND tỉnh đã giải quyết được nhiều vấn đề mà người dân ở các địa phương đến KN-TC, phản ánh, đồng thời thành lập các đoàn đi thực tế, xem xét vụ việc để giải quyết thỏa đáng. Với cách làm này, công tác tiếp công dân và giải quyết KN-TC của tỉnh trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Các vụ việc kéo dài thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã được giải quyết, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết ổn thỏa. Đơn cử như vụ việc bà Đào Thị T, ở xã Nam Thanh (Nam Trực) khiếu nại việc thu hồi diện tích đất mà bà đã tái lấn chiếm của HTXNN Nam Ninh từ năm 1995. Sau khi xem xét kết quả xác minh và trực tiếp họp với các ngành liên quan, UBND huyện Nam Trực và xã Nam Thanh, UBND tỉnh đã bãi bỏ Quyết định số 04/QĐ-UBND của UBND huyện Nam Trực về việc thu hồi đất đối với hộ bà T, đồng thời giao Sở TN và MT chủ trì thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành điều tra làm rõ việc thanh lý tài sản, đất của HTXNN Nam Ninh cho các hộ dân và việc quản lý, sử dụng khu đất... Từ việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KN-TC của tỉnh, các huyện, thành phố cũng quan tâm chỉ đạo, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân. Hiện nay, các điểm tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở đều được bố trí ở vị trí thuận lợi, đảm bảo các điều kiện cần thiết để công dân đến trình bày KN-TC, kiến nghị, phản ánh được thuận lợi. Bên cạnh đó, tổ tiếp công dân tại cấp huyện và cấp xã thường xuyên duy trì lịch tiếp công dân. Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào 2 ngày trong tháng; lãnh đạo UBND xã tiếp công dân vào 1 ngày trong tuần. Các kiến nghị, phản ánh của công dân được cán bộ tiếp công dân tổng hợp hằng ngày, hằng tuần báo cáo thường trực cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung giải quyết. Qua các buổi tiếp công dân, các buổi đối thoại tại cơ sở, gặp gỡ trực tiếp với công dân, chính quyền các địa phương đã giải thích cụ thể từng vụ việc theo quy định của pháp luật, hướng dẫn công dân thực hiện quyền gắn với nghĩa vụ của mình. Nhiều trường hợp KN-TC sau khi được giải thích, công dân đã tự nguyện rút đơn, đã hạn chế nhiều đơn KN-TC phát sinh, phức tạp. Cùng với các biện pháp tăng cường công tác tiếp công dân, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Tiếp công dân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, các chính sách xã hội... tới cán bộ và nhân dân thông qua các hình thức, như: hội nghị, hội thi, tập huấn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc đối thoại giải quyết khiếu KN-TC... Từ tháng 7-2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 116 lớp tập huấn về pháp luật và quy trình xử lý giải quyết KN-TC cho 11.676 lượt cán bộ chủ chốt ở cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân.
Sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tiếp công dân và giải quyết KN-TC của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đi vào nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Từ đầu năm 2014 đến nay, các cấp hành chính trong tỉnh đã tiếp 3.083 lượt công dân, tiếp nhận 1.817 đơn thư; trong đó có 257 vụ khiếu nại, 236 vụ tố cáo và 1.324 kiến nghị, đề nghị. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng Quy chế tiếp công dân phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc phân công người tiếp công dân phải chọn những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, am hiểu, nắm chắc tình hình địa phương, đơn vị và lĩnh vực chuyên môn để vừa tiếp nhận, vừa tổ chức xác minh, đề xuất tham mưu hướng xử lý thuận lợi, chính xác theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, cũng như trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân. Tăng cường đôn đốc các địa phương, đơn vị, các ngành chức năng trong việc giải quyết các đơn thư KN-TC, kiến nghị của công dân./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng