Vụ Bản thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

09:10, 07/10/2014
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề nâng cao đời sống nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
Dự án Quốc lộ 38B, đoạn qua xã Trung Thành đang được triển khai thi công.
Dự án Quốc lộ 38B, đoạn qua xã Trung Thành đang được triển khai thi công.
Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, Huyện ủy Vụ Bản đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các quy định, chính sách hiện hành được công khai tới người dân qua nhiều hình thức như niêm yết tại HĐND, UBND các xã, thị trấn; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở, thông qua các buổi họp thôn, xóm, khu dân cư, các cuộc tiếp xúc cử tri… Bên cạnh đó, MTTQ, các tổ chức cơ sở Đảng đã tổ chức cho nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; lấy ý kiến nhận xét của nhân dân ở nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Qua đó ý thức về quyền làm chủ của nhân dân được nâng cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; trong đó có nhiều nội dung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được công khai để nhân dân biết, cùng tham gia thực hiện như chủ trương về xây dựng NTM, các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chương trình giảm nghèo, cải cách hành chính, vệ sinh môi trường… Nhiều chủ trương nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp như: Chủ trương về mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, kết cấu hạ tầng NTM... Do thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên các địa phương, cơ sở đã vận động được nhân dân, con em ở xa đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như đường giao thông, trường học, trạm y tế, NVH thôn, xóm với số tiền hàng tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quy hoạch, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng NTM và tổ chức thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã huy động gần 533 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM; trong đó đã tu sửa, làm mới 127km đường trục xã và các thôn, xóm; đắp ấp trúc, đắp mới 406km đường trục chính nội đồng và cứng hóa 15km đường bê tông nội đồng phục vụ sản xuất. Tại 6 xã làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, đến nay xã Hiển Khánh đã đạt 18 tiêu chí, Minh Tân đạt 16 tiêu chí, các xã Minh Thuận, Trung Thành, Liên Minh và Thị trấn Gôi đạt 13-14 tiêu chí. Ngoài ra 12 xã còn lại mặc dù không nằm trong “diện” làm điểm nhưng vẫn tích cực thực hiện các tiêu chí NTM, đến nay đã đạt từ 9 đến 12 tiêu chí. Hay trong công tác GPMB xây dựng các công trình trọng điểm như: Quốc lộ 38B, Quốc lộ 37B và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, bằng việc phát huy dân chủ trong quá trình thực hiện GPMB, thu hồi đất thông qua việc tổ chức các hội nghị ở thôn, xóm để nhân dân bàn bạc, quyết định tự nguyện hiến đất, góp đất làm đường giao thông trên cơ sở bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Các hộ dân đã hiến hàng nghìn m2 đất ở, đất canh tác nằm trong phạm vi GPMB của các dự án đảm bảo cho các dự án được triển khai đúng tiến độ. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện, hàng nghìn hộ dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các trang trại, gia trại cho thu nhập khá. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề nông thôn tiếp tục được mở rộng như: Nghề tre nứa ghép ở các xã Vĩnh Hào, Liên Minh; nghề cơ khí ở các xã Quang Trung, Trung Thành; nghề dệt xã Thành Lợi. Nhiều hộ sản xuất đã tích cực đầu tư công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp thị thị trường. Các xã: Đại Thắng, Hợp Hưng, Minh Tân, Hiển Khánh, Thành Lợi, Liên Minh… đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng để tổ chức sản xuất nghề may mặc, tạo việc làm cho 1.500 lao động.
 
Với việc tập trung chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, Đảng bộ huyện Vụ Bản đã khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, động viên được nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế hằng năm của huyện đều cơ bản đạt và vượt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến  nay, 175/223 thôn xóm trên địa bàn huyện đã có NVH; tỷ lệ làng văn hoá đạt 78,5%; 83,1% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá; 100% các khu dân cư đã xây dựng được quy ước, hương ước nếp sống văn hóa. Năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 5,45%. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, TTATXH được giữ vững./.
 
Bài và ảnh:  Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com