Vụ Bản nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động

07:10, 11/10/2014
Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong các giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào nghề cho người lao động. 
Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Tuyến, ở xóm Chinh, xã Trung Thành tạo việc làm cho 30 lao động.
Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Tuyến, ở xóm Chinh, xã Trung Thành tạo việc làm cho 30 lao động.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Vụ Bản đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 1956 của huyện; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Vụ Bản đến năm 2020”. Hằng năm, BCĐ 1956 của huyện đều chỉ đạo các ngành, các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, biện pháp hiệu quả. Năm 2014, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2014. Trong đó chỉ rõ, chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề cho người lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2014, huyện Vụ Bản được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề và các nguồn khác là 900 triệu đồng và huyện trích ngân sách hỗ trợ người lao động học nghề 450 triệu đồng, với kế hoạch hỗ trợ 1.250 người học nghề. Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho người lao động trên đài phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn, qua các cuộc họp thôn, xóm, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề, có nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và thu nhập…, thu hút người lao động đăng ký tham gia học nghề, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân và yêu cầu của thị trường lao động để sau khi học nghề thuận tiện tìm việc làm. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, Phòng LĐ-TB và XH đã tham mưu với huyện uỷ, UBND huyện về các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lựa chọn các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện về nghề đào tạo để ký kết hợp đồng dạy nghề cho người lao động như: Trung tâm Dạy nghề Vụ Bản, Trường Trung cấp nghề số 8, Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh, Trường Trung cấp Nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng Nam Định… Đến hết tháng 9-2014, huyện Vụ Bản đã mở 28 lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn cho trên 900 lao động, gồm 400 lao động học nghề phi nông nghiệp, 500 lao động học nghề nông nghiệp. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp (11 lớp, 365 người), chăn nuôi lợn (8 lớp, 240 người), nuôi gà (2 lớp, 65 người), nuôi thủy sản (2 lớp, 65 người), trồng trọt (2 lớp, 70 người), điện dân dụng… Trong đó, Trung tâm Dạy nghề huyện Vụ Bản đào tạo nghề cho 600 lao động. Trong quá trình đào tạo nghề, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản, đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ. Để hỗ trợ người lao động tìm việc làm sau học nghề, huyện còn tổ chức ký kết hợp đồng 3 bên giữa đơn vị dạy nghề, người lao động với 24 cơ sở sản xuất. Nhờ đó, lao động sau khi học nghề đều tìm được việc làm phù hợp; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản phẩm cũng như nguồn thu nhập. Cùng với công tác đào tạo nghề cho người lao động, huyện đã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Vụ Bản tích cực làm tốt công tác tư vấn nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo quy hoạch sản xuất của các địa phương. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác và các xã triển khai xây dựng NTM. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.
 
 Bài và ảnh:  Minh Tân
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com