Thực hiện chương trình dạy học theo chủ đề tích hợp trong các trường phổ thông

07:10, 09/10/2014
Dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn là phương pháp dạy học hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong cải cách chương trình, sách giáo khoa ở nước ta. Đây cũng là vấn đề được ban giám hiệu và tổ chuyên môn trong các nhà trường ở các cấp học trong tỉnh quan tâm chỉ đạo để nâng cao chất lượng dạy và học. 
Cô và trò Trường THCS Nam Nghĩa (Nam Trực) trong giờ lên lớp.
Cô và trò Trường THCS Nam Nghĩa (Nam Trực) trong giờ lên lớp.
Việc kết hợp các nội dung kiến thức từ các môn học, các lĩnh vực học tập khác nhau vào nội dung một bài học, cùng sự phối hợp các tri thức có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn, giúp người học có đủ khả năng giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Theo nhiều giáo viên đánh giá, những tiết dạy theo chủ đề tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn đã mang lại cho học sinh sự hứng thú, phát huy được tính tích cực, sáng tạo và gắn kiến thức lý thuyết với thực hành. Ví dụ như trong giảng dạy tích hợp môn Địa lý bậc THPT, học sinh có thể sử dụng kiến thức của một số môn học để giải quyết một số vấn đề như: tích hợp kiến thức môn Toán để hình thành kỹ năng tính toán, xử lý số liệu khi vẽ biểu đồ; kỹ thuật vẽ các dạng biểu đồ địa lý vừa chính xác về tỷ lệ, vừa bảo đảm các yêu cầu thẩm mỹ, khoa học. Trong thực tế, các em có thể sử dụng bản đồ địa lý để tính độ dài quãng đường, xác định tọa độ địa lý của một điểm khi đi tham quan du lịch, hay có thể đo và tính toán chiều cao của các biểu đồ cột trong Atlat địa lý Việt Nam, từ đó có thể so sánh được sự khác nhau về giá trị sản lượng lúa, sản lượng thủy sản của các tỉnh… Hay học sinh có thể tích hợp kiến thức môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân để tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để giải thích về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lãnh thổ, nền kinh tế nước ta trong từng giai đoạn khác nhau; dùng kiến thức môn Hóa học để xác định mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí, ô nhiễm đất, từ đó có các giải pháp xử lý kịp thời; dùng kiến thức môn Ngữ văn để viết cho đúng ngữ pháp... Để làm tốt dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn, đối với Trường THCS Nam Hồng (Nam Trực), từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường cùng các tổ chuyên môn đã đưa ra các biện pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn. Nhà trường đã coi trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho giáo viên để mỗi giáo viên đều có nhận thức đúng đắn về phương pháp này. Các tổ chuyên môn đã đưa nội dung tích hợp vào sinh hoạt chuyên môn của tổ, các tiết dạy được thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo chương trình chung của Bộ GD và ĐT. Hằng tuần, khi thực hiện ký duyệt bài soạn của giáo viên, Ban giám hiệu và tổ chuyên môn đều kiểm tra kỹ nội dung tích hợp thể hiện trong giáo án. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo từ khâu soạn bài nên nội dung tích hợp phong phú, sinh động, hấp dẫn học sinh.
 
Từ nhiều năm nay, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo tích hợp nhiều nội dung giáo dục vào quá trình dạy các môn học trong trường phổ thông như: giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật, giáo dục phòng, chống tham nhũng, giáo dục chủ quyền quốc gia, tài nguyên và môi trường về biên giới, biển, đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục ATGT... Về dạy học kiến thức liên môn, Bộ GD và ĐT cũng đã tổ chức tập huấn giáo viên về rà soát chương trình, sách giáo khoa, xây dựng các chủ đề liên môn. Để chuẩn bị cho năm học này, vừa qua Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã tập huấn giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; trong đó tập trung xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn phù hợp với phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, nhà trường. Sắp tới, Bộ GD và ĐT sẽ ban hành văn bản “Hướng dẫn nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và tham gia diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong trường phổ thông” nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường phổ thông, tập trung vào thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đồng thời giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn. Đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, tạo tiền đề tích cực cho việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
 
Việc dạy học theo quan điểm tích hợp đã mang lại cho học sinh sự hứng thú, phát huy được tính tích cực, sáng tạo, giúp các em gắn kết kiến thức lý thuyết với thực hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, mức độ áp dụng trong dạy học chủ yếu mới dừng lại ở việc lồng ghép, đưa thêm nội dung cần học tương tự với môn học chính như: lồng ghép giáo dục môi trường, giáo dục dân số, giáo dục tệ nạn xã hội, giáo dục pháp luật vào các bộ môn như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý… chứ chưa vận dụng được nhiều kiến thức của các phân môn và lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian tới, để việc dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn, các nhà trường, tổ bộ môn chỉ đạo giáo viên xây dựng chương trình tích hợp cần đảm bảo sự tích hợp về nội dung, những kỹ năng cốt lõi cần hình thành cho học sinh, đa dạng về phương pháp dạy học và chú trọng vào sự tham gia tích cực của học sinh. Đánh giá kết quả học tập cần nhấn mạnh vào quá trình tiến bộ của học sinh và tài liệu dạy học không bị bó hẹp trong sách giáo khoa. Việc lựa chọn nội dung cũng cần chú ý đến tính ứng dụng, thực tiễn, phù hợp và gần gũi với cuộc sống của học sinh, tránh sự lệ thuộc quá lớn vào lô-gích của khoa học bộ môn làm cho kiến thức đưa vào nhà trường quá mang tính hàn lâm, nặng nề... Đồng thời, xử lý vấn đề tích hợp cũng cần phải phù hợp với điều kiện dạy học, năng lực dạy học của giáo viên, để mang lại hiệu quả cao trong dạy và học./. 
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com