Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Nam Định luôn là lĩnh vực “nóng”. Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển đô thị gắn với quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố cũng diễn ra tình trạng lộn xộn mất trật tự trong hoạt động xây dựng dân cư ở các xã, phường do người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý xây dựng đô thị. Theo đồng chí Phạm Quốc Hải, Phó Phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: “Trong 3 năm qua, Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong việc tuân thủ quy định về xây dựng”. Trong năm 2012, Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho UBND thành phố thay đổi quy trình cấp phép xây dựng (CPXD) rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4-9-2012 của Chính phủ. Trước đây, thủ tục CPXD thường rườm rà, mất nhiều thời gian. Thông thường, đơn xin CPXD của người dân sẽ được tiếp nhận tại Trung tâm hành chính một cửa của thành phố, tiếp đó được chuyển qua Văn phòng Đăng ký thông tin nhà đất (Phòng TN và MT) khảo sát hiện trạng đất xây dựng. Đối với các trường hợp xin CPXD nhà trên 3 tầng và trên các tuyến phố chính, hồ sơ CPXD đều phải gửi lên Sở Xây dựng để hiệp y trong vòng 7 ngày rồi chuyển về Phòng Quản lý đô thị thành phố thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt khiến thời gian trả hồ sơ cho người dân chậm, không đảm bảo theo quy định pháp luật. Theo quy trình CPXD mới, hồ sơ xin CPXD sẽ được tiếp nhận tại Trung tâm hành chính một cửa và được chuyển trực tiếp đến Phòng Quản lý đô thị để phối hợp với UBND phường, xã khảo sát, đối chiếu với quy hoạch xây dựng của thành phố, thẩm định hồ sơ CPXD, trình UBND thành phố phê duyệt. Nhờ thế, thời gian CPXD đã giảm xuống từ 10-15 ngày, hầu hết các hồ sơ đều theo đúng quy trình đảm bảo về thời gian theo quy định của pháp luật. Việc chấp hành quy định xin CPXD trong nhân dân đã chuyển biến rõ rệt, số lượng hồ sơ xin cấp phép ngày càng tăng. 9 tháng năm 2014, Phòng đã tham gia giải quyết đúng quy trình 258/272 hồ sơ (đạt tỷ lệ 94,9%).
Kiểm tra giấy phép xây dựng của một gia đình trên đường Song Hào, phường Trần Quang Khải. |
Cùng với cải thiện quy trình CPXD, Phòng Quản lý đô thị cũng tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 807/2012/QĐ-UBND ngày 24-4-2012 quy định quy trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đô thị và trách nhiệm của UBND các phường, xã, Đội quản lý trật tự đô thị thành phố, Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị thành phố. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của UBND phường, xã trong quản lý trật tự xây dựng, bảo đảm mọi vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện và xử lý ngay trong thời hạn 2 ngày kể từ khi xuất hiện. Đối với các vụ việc vi phạm không xác định được người vi phạm, UBND phường, xã phải lập biên bản và tổ chức khắc phục, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong vòng 8 tiếng kể từ khi phát hiện. Đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị của tổ chức, cá nhân, UBND phường, xã phải lập biên bản xử lý, xử phạt theo đúng quy trình. Trong vòng 24 tiếng, các tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện việc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu thì UBND phường, xã phải tổ chức thực hiện các biện pháp phá dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu sau 3 ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ vi phạm. Các đơn vị như Đội quản lý trật tự đô thị, Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị, phòng TN và MT có trách nhiệm phối hợp với UBND phường, xã thực hiện theo đúng quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Nhờ thế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị từng bước được hạn chế, nhiều vụ việc được phát hiện sớm ngăn chặn, khắc phục kịp thời, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của người dân được nâng cao. 9 tháng đầu năm 2014, có 12 trường hợp xây dựng trái phép đã bị phát hiện và xử lý. Đặc biệt đã xử lý dứt điểm trường hợp xây dựng trái phép tại: nhà hàng Thủy Tạ (trong hồ Vỵ Xuyên), đường Phạm Thị Vân (khu TĐC Tây Đông Mạc), đường Nguyễn Công Trứ và khu Đầm Đọ. Tại phường Trần Quang Khải, đồng chí Trần Đức Ánh, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Địa giới hành chính của phường Trần Quang Khải lớn với hơn 52ha, trong đó có 4 ao hồ lớn. Cùng với đó, do lịch sử hình thành diện tích đất xâm canh chủ yếu là đất nông nghiệp nên địa bàn phường dễ xảy ra nguy cơ mất trật tự xây dựng đô thị”. Trước thực trạng đó, phường đã tiến hành công khai quy hoạch phân khu chi tiết, lập hồ sơ kỹ thuật, cắm mốc chỉ giới đỏ tại các tuyến đường, khu phố chính. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết với phường về quản lý đất đai. Đối với các hộ gia đình giáp ranh với ao hồ, phường tổ chức khảo sát đo đạc, lập hồ sơ hiện trạng thửa đất nhà ở và yêu cầu các hộ ký cam kết không lấn chiếm đất ao hồ, đảm bảo nguyên trạng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp các hộ được CPXD mới hoặc sửa chữa đều được phường thông báo đến từng tổ trưởng tổ dân phố để quản lý, giám sát việc xây dựng đảm bảo theo đúng giấy phép đã được cấp, yêu cầu các hộ ký cam kết mượn vỉa hè để sử dụng vào các mục đích ngoài giao thông với thời gian cụ thể và hoàn trả hiện trạng ban đầu khi hoàn tất xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Chị Trần Thị Thơi trú tại số 48, đường Song Hào cho biết: “Đầu tháng 3-2014, gia đình chúng tôi khởi công xây dựng mới căn nhà 3 tầng hơn 55m2 sàn. Qua tìm hiểu được biết thủ tục xin CPXD đã thông thoáng hơn, một số trường hợp vi phạm không xin phép khi xây dựng đều bị xử lý nghiêm nên gia đình tôi rất nghiêm túc tuân theo quy định về CPXD, khảo sát địa chất, bản vẽ thiết kế công trình…”. Bên cạnh đó, phường chỉ đạo cán bộ địa chính, tổ công tác quản lý trật tự đô thị của phường thường xuyên bám sát địa bàn từng tổ dân phố, kiểm tra giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn toàn phường. Từ năm 2013 đến tháng 9-2014, phường đã tổ chức 420 cuộc kiểm tra trực tiếp trật tự xây dựng tại các hộ gia đình, cá nhân, phối hợp với các đơn vị tổ chức 60 cuộc kiểm tra liên ngành. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 13 trường hợp sửa chữa và để VLXD không đúng nơi quy định. Đồng thời, phường đã vận động người vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm tại vị trí Km5 trên đê hữu sông Đào, cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng không phép tại tổ dân phố số 9 trên cửa cống Kênh Gia; phát hiện sớm và tiến hành tháo dỡ móng 1 ngôi nhà xây dựng trái phép cạnh hồ Chất Đốt, tháo dỡ tường bao lấn chiếm 120m2 tại số 129 đường Nguyễn Văn Trỗi.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, tình hình quản lý trật tự xây dựng ở các địa phương còn tồn tại một số vụ vi phạm xây dựng trái phép mang tính phức tạp đang được các cấp, các ngành tiếp tục xử lý như: khu TĐC Đồng Quýt, xây dựng trái phép trên hành lang đê và đất công ở xã Nam Phong, khu tập thể Trường Cao đẳng Xây dựng, đường Ngô Gia Tự, khu đô thị mới Thống Nhất, đường Phùng Chí Kiên… Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính do phường, xã chưa tập trung cao cho công tác xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị, có dấu hiệu buông lỏng, nể nang; ý thức người dân chưa cao, đặc biệt là ở các khu TĐC, khu đô thị mới giáp ranh khu dân cư cũ, ngoại thành. Nhằm đưa công tác quản lý trật tự xây dựng vào nề nếp, có hiệu quả, thành phố cần phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cán bộ địa chính và cán bộ quản lý môi trường. Các phường, xã phải thành lập tổ hoặc ban quản lý chuyên ngành trật tự xây dựng của địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên quan. Hằng tháng, các phường, xã phải báo cáo kịp thời về tình hình trật tự xây dựng ở địa phương. Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết các phường, xã còn lại, xây dựng quy chế quản lý, thiết kế đô thị cho các khu chức năng, khu tuyến phố chính để phục vụ cho công tác quản lý kiến trúc quy hoạch./.
Bài và ảnh: Đức Toàn