Cùng với cả nước, tỉnh ta đã bước vào giai đoạn “già hóa” dân số với tỷ lệ người cao tuổi (NCT) chiếm cao. Những năm qua, NCT với bề dày kinh nghiệm và uy tín đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có việc tham gia vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.
Hằng năm, Ban đại diện Hội NCT tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên NCT trong toàn tỉnh về chương trình, mục tiêu, những vấn đề đặt ra trong công tác dân số hiện nay và kỹ năng tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ... Qua đó, NCT đã tích cực tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề như: Các biện pháp thực hiện sinh đẻ kế hoạch (SĐKH) để giảm tỷ lệ gia tăng dân số, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS, bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số… Các cấp Hội NCT trong tỉnh còn lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” với công tác dân số - KHHGĐ để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều Hội NCT tiêu biểu trong vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số. Tiêu biểu như Hội NCT xã Hải Giang (Hải Hậu). Với đặc điểm một xã có phần lớn dân số là đồng bào Công giáo nên trước đây trong nhân dân còn tồn tại nhiều tư tưởng lạc hậu, việc thực hiện KHHGĐ của xã gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng này, Ban đại diện Hội NCT xã đã họp, ra nghị quyết yêu cầu các chi hội phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, mỗi hội viên phải có trách nhiệm vận động con cháu thực hiện SĐKH; coi việc thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên trong chi hội. Hằng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, ngoài các nội dung như bình thơ, đọc báo, nghe tình hình thời sự, trao đổi kinh nghiệm sống và dạy bảo con cháu, Hội NCT còn dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ. Trong các đợt xã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, các hội viên ở các chi hội tích cực phối hợp với hội viên các đoàn thể ở cơ sở đến từng gia đình để vận động người dân thực hiện KHHGĐ. Hằng tháng, quý, năm, Ban đại diện Hội đều tổ chức biểu dương các cụ có con cháu thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ. Với sự “vào cuộc” tích cực của hội viên NCT, đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ của xã.
Để phát huy vai trò của NCT trong công tác dân số, từ năm 2012, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” tại 6 xã trong tỉnh là: Hợp Hưng, Minh Tân (Vụ Bản); Nam Thái, Nam Hồng (Nam Trực); Việt Hùng, Trực Hưng (Trực Ninh). Mục tiêu của mô hình nhằm cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, đồng thời nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ NCT. Việc triển khai mô hình bao gồm nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức thu thập các thông tin liên quan đến NCT, khảo sát thực trạng và các nhu cầu dịch vụ hỗ trợ tư vấn và chăm sóc NCT ở địa phương. Các hoạt động, mô hình, dự án chăm sóc NCT đã, đang triển khai thực hiện. Tổ chức hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội ở tỉnh, Hội NCT, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện; lãnh đạo UBND và cán bộ dân số, đại diện Hội NCT ở các xã triển khai mô hình để những người tham dự có hiểu biết cơ bản về các nội dung, kế hoạch hoạt động tư vấn và chăm sóc NCT. Tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở xã về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT; vai trò của NCT trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc NCT... Ban quản lý mô hình tỉnh căn cứ thực tế địa bàn triển khai mô hình phối hợp với cấp huyện, xã tổ chức thực hiện khám và tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho NCT, giúp họ biết được tình trạng sức khỏe; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc điều trị các bệnh thông thường cho các cụ không có BHYT. Các xã triển khai mô hình còn dựa trên lực lượng cộng tác viên dân số, y tế thôn, đội, các cán bộ ban, ngành, đoàn thể, lựa chọn những người có khả năng và tâm huyết, xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc NCT. 100% tình nguyện viên được tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tư vấn và chăm sóc NCT định kỳ tại gia đình; thường xuyên cập nhật thông tin về chăm sóc NCT vào sổ theo dõi và báo cáo trạm y tế. Tại mỗi xã triển khai mô hình đã thành lập và duy trì hoạt động của 2 CLB “NCT giúp NCT”, sinh hoạt mỗi quý một lần để NCT được tham gia các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí với nội dung phù hợp; đồng thời cung cấp kiến thức để NCT tự biết chăm sóc sức khỏe bản thân. Năm 2013, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã hỗ trợ 6 bộ dụng cụ khám sức khỏe cho 6 thôn, xóm của 2 xã Nam Hồng và Nam Thái (Nam Trực) và hướng dẫn cách sử dụng bộ dụng cụ này trong chăm sóc NCT tại cộng đồng.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động của mô hình không chỉ góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT, phát huy năng lực, kinh nghiệm của NCT, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng mà còn nhằm tạo sự chuyển biến trong từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội về ý thức trách nhiệm chăm sóc NCT để các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, trong đó có công tác dân số - KHHGĐ./.
Lam Hồng