Những vướng mắc khi giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cho người lao động

07:10, 11/10/2014
Chị Nguyễn Thu Trang làm việc tại Cty may X đã có thời gian đóng BHXH 5 năm. Tuy nhiên, khi mang thai, do sức khoẻ yếu nên bác sĩ yêu cầu phải nghỉ dưỡng thai dài ngày. Vì lý do này, chị không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con bởi quy định được hưởng chế độ này là phải có đủ 6 tháng đóng BHXH trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Đây chỉ là một trong số những bất cập trong quá trình thực hiện các chế độ BHXH ngắn hạn hiện nay.
Cán bộ BHXH tỉnh tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH cho người lao động.
Cán bộ BHXH tỉnh tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH cho người lao động.

 Thời gian qua, việc giải quyết các chế độ, chính sách BHXH nói chung, chế độ BHXH ngắn hạn nói riêng ở tỉnh ta đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; góp phần đảm bảo đời sống cho đối tượng tham gia khi nghỉ chế độ thai sản hoặc chẳng may bị ốm đau, tai nạn nghề nghiệp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 23.164 lượt người được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền trên 79,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chế độ BHXH ngắn hạn vẫn còn một số vướng mắc cần sớm giải quyết. Theo quy định của Luật BHXH, người sử dụng lao động được giữ lại 2% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH; trong thời gian 3 ngày phải giải quyết trả trợ cấp ốm đau, thai sản cho người lao động; cơ quan BHXH thực hiện quyết toán với người sử dụng lao động hằng quý. Tuy nhiên trên thực tế quy định này không khả thi, do đa phần cán bộ làm chế độ BHXH tại các đơn vị là kiêm nhiệm, không có chuyên môn về BHXH nên không tránh khỏi sai sót, chậm trễ trong giải quyết chế độ, dẫn đến người lao động không được thụ hưởng chế độ kịp thời, lại làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan BHXH và đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động điều trị ngoại trú vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 11 năm 1999 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, quy định các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) của Nhà nước, các cơ sở KCB tư nhân có ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH mới được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Điều này gây khó khăn cho người lao động vì nhiều người không biết được cơ sở KCB nào ký hợp đồng với cơ quan BHXH. Ngoài ra, quy định người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần điều trị dài ngày phải có giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện, nhưng hiện nay, bệnh viện thường chỉ cấp giấy xác nhận nghỉ ốm; nhiều trường hợp bệnh cũng không cần hội chẩn khiến người lao động không được hưởng trợ cấp ốm đau kịp thời. Thêm vào đó, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo Thông tư liên Bộ Y tế, LĐ-TB và XH không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH của người lao động. Đối với chế độ thai sản, quy định điều kiện để hưởng trợ cấp thai sản là khi sinh con, nhận con nuôi, người lao động phải có thời gian đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Với các trường hợp đã tham gia BHXH nhiều năm, song vì lý do nào đó không tham gia BHXH thời gian trước khi sinh con như điều kiện trên sẽ không được hưởng chế độ thai sản, không được tính thời gian nghỉ thai sản theo quy định, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Đối với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo quy định, để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản tai nạn giao thông của Công an. Tuy nhiên khi tai nạn xảy ra, nhiều người vì phải đi cấp cứu, không chú ý đến việc này nên không đủ điều kiện được giải quyết chế độ. Luật BHXH cũng chưa có quy định cụ thể về một số trường hợp tai nạn nên chưa có căn cứ để giải quyết chế độ tai nạn lao động như trường hợp người lao động tham gia phong trào văn nghệ, thể thao, thăm người ốm, đi đám hiếu… do đơn vị tổ chức; tham gia giao lưu với đơn vị khác hoặc được đơn vị cử đi mà bị tai nạn; trường hợp người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc nhưng không thực hiện công việc được phân công hằng ngày…

Từ thực tế trên, thời gian qua, các địa phương và các ngành chức năng đã tham gia đóng góp ý kiến vào Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế độ BHXH nói chung, BHXH ngắn hạn nói riêng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Riêng với chế độ thai sản có nhiều điểm sửa đổi các quy định cho phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012; trong đó bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường, 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật. Dự thảo Luật cũng sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ nên không đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và một số quy định khác liên quan đến các chế độ BHXH ngắn hạn như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tới đây, Luật BHXH sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động./. 
Bài và ảnh: Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com