Những nữ công nhân, viên chức lao động giỏi được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận

08:10, 13/10/2014
Trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất hiện những gương nữ CNVCLĐ tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác, lao động sản xuất, được LĐLĐ tỉnh trao Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận năm 2014. 
 
Chị Mai Thị Hồng, sinh năm 1960, hiện là nhân viên kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc được LĐLĐ tỉnh trao Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận năm 2014. Là viên chức chuyên trách chương trình tiêm chủng mở rộng, y tế trường học, và chương trình dinh dưỡng vitamin A, chị luôn xây dựng kế hoạch hoạt động chương trình theo từng tháng, quý; tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, học tập các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời say mê tìm tòi, học hỏi qua đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực phát huy tính sáng tạo làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Trong 5 năm qua, chị đã cùng đồng nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu về quản lý bệnh nhân Glomcom tại cộng đồng; phân tích ô nhiễm Asen nguồn nước ngầm của huyện. Riêng bản thân chị có 3 đề tài khoa học: khảo sát sự hài lòng của bà mẹ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã, thị trấn; “Khảo sát đánh giá tình trạng sốc phản vệ giúp thực hiện chống sốc giữ an toàn trong tiêm chủng mở rộng”; “Khảo sát tiêm an toàn tại trạm y tế xã, thị trấn”. Với đề tài đánh giá tình trạng sốc phản vệ giúp thực hiện chống sốc giữ an toàn trong tiêm chủng mở rộng, chị đã thực hiện khám sàng lọc đối tượng tiêm vắc-xin, phân loại đối tượng đưa vào nhóm được phép tiêm và không được phép tiêm; tập huấn kiến thức về quy trình tiêm vắc-xin, phác đồ điều trị đối với trẻ có biểu hiện dị ứng hay sốc. Đề tài đã được phổ biến, tập huấn rộng rãi ở 11 xã, thị trấn trong huyện. Nhờ vậy, thời gian qua trước tình trạng các tỉnh, thành trên cả nước xảy ra nhiều trường hợp sốc vắc-xin ở trẻ thì trên địa bàn huyện Mỹ Lộc hầu như không có hiện tượng sốc phản vệ; trường hợp xảy ra được xử lý an toàn không có điều đáng tiếc xảy ra. Năm 2013, chị tiếp tục thực hiện khảo sát tiêm an toàn tại trạm y tế xã, thị trấn. Với đề tài này, chị đã tiến hành khảo sát, phân loại điều dưỡng các trạm y tế xã, thị trấn theo độ tuổi, thâm niên công tác, trình độ chuyên môn. Khảo sát phân loại theo mũi tiêm và đường tiêm cụ thể như tiêm trong da, tiêm bắp sâu và dưới da và khảo sát quy trình tiêm từng mũi; khám sàng lọc phản ứng của trẻ; thống kê tỷ lệ các mũi tiêm có bơm kim tiêm vô khuẩn trước khi tiến hành tiêm; tỷ lệ thực hiện rửa tay sạch và rửa tay nhanh (rửa tay sát khuẩn); tỷ lệ điều dưỡng mang găng tay khi tiêm tại các điểm tiêm các xã, thị trấn. Từ đó chị đề xuất những biện pháp giải quyết những tồn tại trong công tác tiêm chủng như: đào tạo lại quy trình, quy định trong tiêm chủng mở rộng; tăng cường giám sát tại các điểm tiêm uốn nắn, nhắc nhở cán bộ y tế xã, thị trấn. Đề tài sau khi được áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện đã mang lại kết quả cụ thể như: Trong quá trình tiêm chủng không có tai biến ở trẻ; 70% các xã nâng cấp, sửa chữa lò đốt tiêu hủy; 100% đơn vị xây dựng phòng tiêm chủng 1 chiều; đội ngũ cán bộ trung tâm y tế xã, thị trấn đảm bảo đúng quy trình tránh tai biến, tránh lây chéo. 
Chị Mai Thị Hồng, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc (ngồi giữa) triển khai quy trình công tác cho cán bộ Trạm Y tế thị trấn.
Chị Mai Thị Hồng, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc (ngồi giữa) triển khai quy trình công tác cho cán bộ Trạm Y tế thị trấn.
Chị Trần Thị Việt Hà, sinh năm 1974, đoàn viên công đoàn Cty CP Dịch vụ kinh tế nông nghiệp Giao Thủy cũng là một trong những nữ CNVCLĐ được LĐLĐ tỉnh trao Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp, năm 1994, chị được phân công về làm việc tại Cty. Trong quá trình công tác tại Cty, chị được phân công nhiệm vụ điều tra sâu bệnh ở 7 HTX thuộc các xã Giao Tiến, Giao Thịnh và Thị trấn Ngô Đồng. Với nhiệm vụ này, chị đã kiểm tra và theo dõi tình hình sâu bệnh, quá trình sinh trưởng phát triển của lúa; hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh. Năm 2008, chị lại tiếp tục được phụ trách sản xuất nhân giống Bắc thơm số 7 siêu nguyên chủng ra giống nguyên chủng và đưa những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất tại địa phương. Năm 2012, chị tiếp tục nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng giống lúa tại huyện Giao Thủy”. Qua khảo sát thực tế kiểm tra ở các HTX, chị nhận thấy vào vụ mùa lúa dễ bị sâu bệnh bạc, cháy lá. Trước thực tế đó, chị đề xuất lai tạo chọn giống lúa theo các hướng chọn tạo giống chất lượng gạo ngon phục vụ thị trường trong và ngoài nước, chọn giống có năng suất cao, ổn định cho vùng thâm canh; thời điểm sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện khó khăn. Ngoài ra, phải cải tiến kỹ thuật canh tác bằng cách cấy 1 dảnh lúa hoặc sạ hàng để dễ dàng loại bỏ những cây lúa không thuần giống, phải đảm bảo cây sinh trưởng tốt, bón phân cân đối và đầy đủ, tiến hành khử lẫn ngay từ đầu vụ và sau khi lúa trổ để đảm bảo độ thuần, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo độ thuần của lúa giống như công cụ bảo quản phải sạch không còn lẫn tạp giống khác; đặc biệt là không chọn lúa giống từ những ruộng lúa bị bệnh cho những vụ sau. Những đóng góp của chị đã giúp Cty tìm hiểu và đưa nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất ở địa phương. 
 
Chị Vũ Thị Bích Liên, sinh năm 1987, hiện là chuyền trưởng, quản lý bộ phận lắp ráp ở Cty TNHH Youngor Smart Shirt. Trong công việc, chị thường xuyên trau dồi kiến thức nghề nghiệp để nâng cao tay nghề, khắc phục sự cố dây chuyền tự động, mở lắp đặt nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực tham gia hội thi thợ giỏi, thi tay nghề may giỏi; có nhiều sáng kiến cải thiện dây chuyền mới và vị trí làm việc của từng người lao động cho phù hợp với tư thế mang lại năng suất, chất lượng cao. Trong quá trình công tác tại Cty, chị từng đảm nhiệm công việc dây chuyền tự động A, B, C, D, E. Năm 2012, năng suất chỉ đạt 500-550 sản phẩm/dây chuyền; qua quá trình mày mò tìm hiểu, chị khắc phục sắp xếp tăng năng suất lên 1.200-1.300 sản phẩm/dây chuyền. Ngoài ra, với nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền chị luôn dẫn đầu về năng suất, chất lượng lao động đạt 120%-130% định mức và kế hoạch sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, chị luôn đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Chị vinh dự được LĐLĐ tỉnh tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận. 
 
Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong nữ CNVCLĐ như những bông hoa giữa đời thường, dù ở độ tuổi, công việc khác nhau nhưng họ vẫn cố gắng khắc phục những khó khăn, tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, vươn lên hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ xứng đáng được tôn vinh và là tấm gương tiêu biểu để thúc đẩy sự sáng tạo trong nữ CNVCLĐ toàn tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Dung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com