Nâng cao nhận thức về thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ

08:10, 21/10/2014
Tỉnh ta được Viện Dinh dưỡng đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Đến hết năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng trên địa bàn tỉnh chỉ còn 13,83%; suy dinh dưỡng theo chiều cao còn 18,7%. Ước tính đến hết tháng 9-2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tính theo cân nặng trên địa bàn tỉnh còn 13,4%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tính theo chiều cao còn 18,5%. 
Tư vấn về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Trạm Y tế xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Tư vấn về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Trạm Y tế xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Mặc dù tỉnh ta đã có cải thiện đáng kể về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, nhưng việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn là vấn đề nan giải. Nguyên nhân do nhiều bà mẹ thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, nuôi con không đúng cách và thực hành cho ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng. Để góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và thực hiện “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, các đơn vị thuộc Sở Y tế như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ. Trong đó, các hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, đưa kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trẻ em đến mọi người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, duy trì hành vi tích cực, tiến bộ trong chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Các đơn vị tại tuyến tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng các chuyên mục, đưa nhiều tin, bài về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; tổ chức hội thảo, tập huấn về phòng chống suy dinh dưỡng từ tỉnh đến cơ sở. Từ đầu năm 2014 đến nay, các đơn vị trực tiếp làm công tác dinh dưỡng đã tổ chức được 25 buổi nói chuyện cho 2.450 người; 9 buổi tập huấn tại 9 huyện cho 350 người; 20 buổi hội thảo cho 2.000 người, tổ chức phát thanh tại 100% xã, phường, thị trấn và cung cấp 250 băng rôn, khẩu hiệu, 270 tranh áp phích, 10 nghìn tờ gấp, 2 băng, đĩa về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, thông tin, giáo dục truyền thông dinh dưỡng nhằm truyền tải thông tin về phòng chống suy dinh dưỡng đến các bà mẹ. Tại tuyến huyện, các đơn vị tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), phát tin, bài về nội dung chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trên đài phát thanh huyện, treo băng rôn, pa-nô, áp phích về dinh dưỡng hợp lý… Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tập huấn chuyên môn cho chuyên trách, CTV dinh dưỡng tuyến xã, phường tại các trung tâm y tế theo cụm (3 xã 1 cụm). Nội dung tập huấn bao gồm kỹ năng về tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho trẻ em, đặc biệt là việc chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị bệnh, thực hành nấu ăn, kỹ năng cân, đo, chấm biểu đồ, làm báo cáo... Tại tuyến xã, hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng được thực hiện trực tiếp, đến đối tượng qua các chuyên trách dinh dưỡng và CTV dinh dưỡng. Hoạt động này được thực hiện dưới các hình thức như thực hành nấu ăn trình diễn cho các bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng. CTV dinh dưỡng còn đến thăm các hộ gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai để hướng dẫn cách nuôi trẻ, cách cho trẻ bú đúng, cách tô màu bát bột và tư vấn về ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương. Ngành Y tế còn tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng thường xuyên tại 100% trạm y tế xã, phát trên loa truyền thanh xã các nội dung về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em 1 lần/1 tuần; tổ chức phát tờ rơi “Làm thế nào để trẻ không bị suy dinh dưỡng”, “Chăm sóc phụ nữ có thai”, trong các hội nghị dinh dưỡng, các buổi trình diễn thực hành nấu ăn, sinh hoạt phụ nữ… Cùng với các hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, công tác giám sát được các đơn vị triển khai thông qua việc phân công cán bộ phụ trách huyện, hằng tháng xuống giao ban với cán bộ chuyên trách huyện và xã để nắm bắt tình hình triển khai các hoạt động trong tháng và tháng tiếp theo, đảm bảo trong năm tuyến tỉnh giám sát 100% số huyện và 30% số xã, huyện giám sát 100% số xã để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tư vấn kiến thức thực hành dinh dưỡng và chăm sóc trẻ đảm bảo tiến độ và chất lượng. Các hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em. Qua các hoạt động này, có 98% bà mẹ có con dưới 2 tuổi dự thực hành bữa ăn hợp lý 1 lần/năm, 98% phụ nữ có thai dự thực hành dinh dưỡng ít nhất 1 lần trong thai kỳ và bà mẹ có con dưới 2 tuổi dự thực hành bữa ăn hợp lý 1 lần/năm; 95% trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng ít nhất 3 tháng 1 lần, bằng biểu đồ, 95% trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng được theo dõi tăng trưởng 1 lần/tháng.
 
Để đạt kết quả cao hơn trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, từ ngày 16 đến 23-10-2014, Bộ Y tế tổ chức phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” với chủ đề “Phát triển VAC giúp cải thiện bữa ăn gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có công văn gửi Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về việc tổ chức các hoạt động trong Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển năm 2014, tập trung vào các nội dung: Khuyến khích người dân phát triển VAC gia đình để có nguồn thực phẩm dồi dào, cải thiện chất lượng bữa ăn và góp phần tăng thu nhập cho gia đình; Hướng dẫn người dân biết lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn sẵn có tại gia đình và địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng và VSATTP, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho toàn dân; Phối hợp chặt chẽ với ngành NN và PTNT để hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, sản xuất VAC gia đình gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình; hướng dẫn sử dụng hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động, hướng dẫn triển khai tuần lễ; tổ chức các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng và phát triển; phối hợp Sở NN và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể xã hội tuyên truyền các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản và sử dụng hợp lý các loại lương thực thực phẩm. Trung tâm CSSKSS tỉnh tập huấn, hỗ trợ tuyến dưới tổ chức các lớp thực hành dinh dưỡng hợp lý, truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ; triển khai các hoạt động liên ngành phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh tăng cường công tác truyền thông về dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển; tổ chức các hoạt động truyền thông lưu động; tập trung vào các vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao; phối hợp in ấn và tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính mang thông điệp hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng GD và ĐT, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, các lớp về phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, tổ chức các hội thi, sinh hoạt CLB, văn nghệ quần chúng và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở y tế./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com