Để tăng nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong điều kiện ngân sách hạn chế, trong nhiều năm qua, các cấp, ngành chức năng và các địa phương tích cực tìm kiếm các nhà tài trợ tiềm năng triển khai các chương trình hợp tác quốc tế nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao nhận thức về môi trường nhằm huy động sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội vào sự nghiệp BVMT. Hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT của tỉnh đã nhận được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả BVMT từ nhiều quốc gia.
Tiêu biểu như tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tại đây được chia thành hai vùng rõ rệt: vùng lõi và vùng đệm; trong đó vùng lõi là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, không được có bất kỳ hoạt động nào của con người diễn ra ở đây; vùng đệm là vùng tiếp giáp với vùng lõi, hoạt động như một vùng chuyển tiếp với các hoạt động được quy định để hạn chế và làm giảm tác động của con người vào Vườn quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế hàng trăm người đã liên tục khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (chủ yếu là các loài thuỷ sản) dưới tán của rừng ngập mặn (RNM) trong vùng lõi. Sinh kế của những người dân địa phương phụ thuộc rất nhiều vào các vùng đất ngập nước vì vậy việc quản lý Vườn quốc gia hết sức phức tạp bởi vừa phải giải quyết xung đột giữa các nhóm ngư dân vào khai thác, vừa phải yêu cầu họ hợp tác để bảo vệ RNM cũng như ngừng sử dụng phương pháp đánh bắt hủy diệt. Do đó, các hệ sinh thái RNM của Vườn quốc gia bị suy thoái, bị mất kiểm soát, và người dân dễ gây tổn thương tới tài nguyên RNM. Từ năm 1997, các xã ven biển của khu Ramsar Xuân Thuỷ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án phục hồi RNM do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ. Sau 6 năm thực hiện, Dự án đã trồng thành công trên 1.500ha. Lúc đầu dự án chỉ trồng thuần loại loài Trang. Từ năm 2000 dự án trồng bổ sung các loài cây ngập mặn mới như: Bần chua, Đâng (Rhizophora stylosa). Đến nay, diện tích bãi bồi của Vườn quốc gia Xuân Thủy cơ bản đã được phủ xanh, nguồn lợi thủy sản được duy trì, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Từ năm 2012, trong khuôn khổ sáng kiến RNM cho tương lai MFF, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chính thức hỗ trợ chương trình “Sử dụng bền vững tài nguyên RNM mang lại lợi ích cho phụ nữ nghèo thông qua thí điểm đồng quản lý trong vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thủy”. Trong vòng 15 tháng, chương trình được thực hiện theo tiêu chuẩn một mô hình thí điểm thực hiện chính sách mới để đồng quản lý RNM trong vùng lõi thông qua sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ khai thác thủy sản thủ công. Dự án tập trung hỗ trợ khoảng 500 phụ nữ giúp họ tự tổ chức, tham gia vào chương trình phát triển chính sách, cải thiện hiểu biết về các phương pháp khai thác bền vững, giảm tác động chủ quan vào tài nguyên thiên nhiên bằng việc phát triển những sinh kế thay thế. Ngoài ra, các tổ chức Viện Nghiên cứu Tài nguyên duyên hải Á châu Việt Nam (CORIN), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), WAP… cùng với các cán bộ của Vườn quốc gia đã giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới như: xây dựng mô hình kinh tế VAC, trồng nấm, nuôi ong, làm du lịch sinh thái cộng đồng… qua đó từng bước giảm được gánh nặng về khai thác tài nguyên nơi đây. Nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả trên mong đợi và đã được nhiều đơn vị trong và ngoài nước tới tham quan học tập, đặc biệt là mô hình sản xuất nấm… Từ đầu năm 2014 đến nay, Vườn quốc gia Xuân Thủy tiếp tục hoàn thiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Giao Xuân và xây dựng các sinh kế mới thay thế bền vững thông qua dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng ngừa rủi ro cho cộng đồng ven biển ở khu vực” do MCD hỗ trợ; triển khai dự án: “Xóa bỏ rào cản trong công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên ở Vườn quốc gia Xuân Thủy của UNDP/GFF” do Tổng cục Môi trường thực hiện; dự án “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Xuân Thủy” do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế của Nhật Bản (JICA) tài trợ; triển khai dự án “Thích ứng với BĐKH cho khu vực rừng và đồng bằng” của Tổ chức Winrock (Hoa Kỳ); duy trì thực hiện các dự án và các chương trình hợp tác với tình nguyện viên quốc tế và các sở, ban, ngành liên quan... Huyện Giao Thủy đang phối hợp với Tổ chức Oxfam và MCD thực hiện dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các cộng đồng ven biển Việt Nam” với tổng kinh phí gần 400 nghìn đô la Ốt-xtrây-li-a nhằm hỗ trợ sinh kế cho trên 15 nghìn người nghèo tại 5 xã ven biển của huyện gồm: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Từ năm 2013 đến năm 2017, tỉnh ta được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thực hiện dự án “Hỗ trợ ứng phó BĐKH ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (VFD) với hợp phần “Thích ứng BĐKH” nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về BĐKH; trang bị công cụ và khả năng tiếp cận của người dân với cách thức chuyển đổi sinh kế ở vùng đồng bằng để tăng cường khả năng chống chịu rủi ro của BĐKH. Dự án sẽ giúp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng hỗ trợ ứng phó BĐKH ở rừng và đồng bằng cho 30 xã trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động này, chính quyền và người dân các xã triển khai dự án sẽ xác định được tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực ứng phó của địa phương khi phải đối mặt với những rủi ro tự nhiên và xã hội cũng như những thách thức của BĐKH. Qua đó, giúp chính quyền, các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân có cái nhìn cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu ưu tiên cần giải quyết và đưa ra giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh BĐKH. Đây là cơ sở góp phần giúp các xã triển khai dự án lồng ghép vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH một cách chủ động và hiệu quả. Trong hợp tác quốc tế về BVMT có liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất công nghiệp, năm 2009 nhiều doanh nghiệp tại tỉnh ta đã nhận được sự hỗ trợ của Cộng đồng châu Âu về việc phát triển bền vững thông qua chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn”. Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây, tỉnh ta cũng tranh thủ thu hút được nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, thiết bị máy móc, kiểm soát tiêu hao năng lượng, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề…
Công tác huy động, kêu gọi hợp tác quốc tế trong BVMT của tỉnh trong những năm qua đã đạt hiệu quả cao. Chính những thiện chí tích cực trong lĩnh vực BVMT của tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án cải thiện môi trường với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế. Trong điều kiện thực tiễn của tỉnh ta hiện nay hầu hết các công trình hạ tầng BVMT không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thực tiễn, một số công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn vốn để thu hút đầu tư nâng cấp, cải tạo, vì vậy thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục huy động, kêu gọi mở rộng tối đa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT./.
Thanh Thúy