Thời gian qua, trên địa bàn huyện Giao Thủy số lượng các vụ việc phải thi hành án (THA) còn tồn đọng nhiều, giá trị thi hành lớn; trong khi đó người phải THA có thái độ chây ỳ, lẩn tránh gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện. Trước thực trạng trên, cùng với thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Chi cục THADS Giao Thủy đã tăng cường giáo dục, thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện THA để thi hành dứt điểm loại án tồn đọng trên địa bàn.
|
Cán bộ Chi cục THADS huyện Giao Thủy thực hiện công tác xác minh, phân loại án trong quá trình tổ chức thi hành án. |
Hằng năm, Chi cục đã phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đẩy mạnh tuyên truyền Luật THADS và các văn bản pháp luật về THADS; phối hợp với đài truyền thanh các xã, thị trấn mở chuyên mục thông báo các vụ việc phải THA tại địa phương. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo chấp hành viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải lồng ghép tuyên truyền pháp luật về THADS để thuyết phục, giải thích đối với người phải THA và gia đình để họ tự nguyện chấp hành. Trong thực hiện nghiệp vụ, Chi cục đã chỉ đạo chấp hành viên, thư ký xây dựng kế hoạch chi tiết, tích cực đôn đốc thi hành kết hợp với rà soát xác minh phân loại án, đồng thời dành nhiều thời gian giáo dục, thuyết phục vận động người phải THA. Để đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động đương sự, cán bộ THA ngoài việc am hiểu pháp luật, cần kiên trì, khôn khéo để giải thích thấu tình, đạt lý cho người phải THA. Các chấp hành viên khi nhận bản án cần nghiên cứu, tìm hiểu rõ về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội của các đương sự để tìm ra cách vận động, thuyết phục hiệu quả. Với từng đối tượng trí thức, công nhân hay nông dân lại có cách tuyên truyền, vận động khác nhau. Điển hình như vụ anh Nguyễn Văn Q và chị Nguyễn Thị L, xóm 18, xã Giao Hải phải trả cho ông Trần Văn V, xã Giao Hải 18 chỉ vàng loại 9999. Theo quyết định THA thì đến hết tháng 11-2013, anh Q và chị L phải trả cho ông V số tài sản trên nhưng anh Q và chị L không thi hành. Xác định vụ việc THA trên là có điều kiện thi hành, vì anh Q và chị L có tài sản là căn nhà đang ở, chấp hành viên đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã và trưởng xóm 18 đến nhà tuyên truyền vận động thuyết phục anh Q và chị L tự nguyện THA. Trong quá trình vận động, thuyết phục, chấp hành viên và cán bộ các đoàn thể xã đã phân tích rõ nếu không tự nguyện THA thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế, lúc đó chi phí cưỡng chế thì người THA phải chịu sẽ gây tốn kém; nếu không THA sẽ buộc phải cưỡng chế; khi ấy người phải cưỡng chế sẽ bị dư luận cho là không chấp hành pháp luật, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và danh dự của mình. Qua gần một năm thuyết phục, đến tháng 8-2014, anh Q và chị L đã tự nguyện THA, trả cho ông V đủ số vàng trên. Đối với những vụ án sau khi đã ra quyết định cưỡng chế, Chi cục THADS Giao Thủy vẫn cử cán bộ tiếp tục vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA. Không ít trường hợp, trước thời điểm cưỡng chế, chấp hành viên đã thuyết phục được đương sự chấp hành THA. Để có một thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự là cả một quá trình kiên trì khéo léo vận động, thuyết phục của các chấp hành viên. Như vụ vay nợ của vợ chồng Phạm Văn P và Trần Thị P, xã Giao An với Ngân hàng TMCP Công thương với số tiền 763 triệu đồng. Mặc dù Chi cục THADS huyện đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của Ngân hàng TMCP Công thương, nhưng vợ chồng anh P không chịu trả làm cho vụ việc kéo dài. Suốt thời gian đó, mặc dù chấp hành viên đã vận động, thuyết phục nhưng vợ chồng P vẫn không chấp hành THA. Chi cục đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, phát mại tài sản đối với 3 thửa đất và tài sản trên đất tại xóm 14, xã Giao An mà vợ chồng P thế chấp trị giá trên 396 triệu đồng. Sau khi bán đấu giá xong số tài sản trên, chấp hành viên tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho vợ chồng P nghĩa vụ của người phải THA theo quy định của pháp luật như: Nếu không tự nguyện THA thì tài sản đã thế chấp sẽ bị phát sinh lãi theo quy định và số tài sản đã thế chấp sẽ không được tặng, cho, bán được. Khi ấy, vợ chồng P đã chấp thuận THA, tự nguyện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá mà không phải dùng biện pháp cưỡng chế giao tài sản đấu giá. Đối với những trường hợp người phải THA đang thụ hình, Chi cục gửi công văn đề nghị trại giam phối hợp đôn đốc phạm nhân tự nguyện thi hành và đã thi hành được một số vụ việc tồn đọng nhiều năm của những người có nhiều tiền án, tiền sự. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo chấp hành viên, thư ký tích cực rà soát, xác minh, phân loại chính xác những hồ sơ đã đủ điều kiện đề nghị xét, miễn giảm, giúp cho việc thi hành các việc đạt hiệu quả. Các việc được xét miễn, giảm các khoản tiền thu nộp ngân sách Nhà nước được tiến hành chặt chẽ, không có trường hợp sai sót.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp hữu hiệu, công tác THA ở Giao Thủy đã có chuyển biến tích cực. Số vụ việc được tổ chức thi hành dứt điểm tăng lên, trong đó có nhiều vụ việc dân sự phức tạp, mức thi hành lớn đã được giải quyết từ sự tự nguyện thi hành của đương sự. Đồng chí Đỗ Tương Thống, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Giao Thủy cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có 295 việc (chiếm 84%) được thi hành xong nhờ công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA; số án tồn đọng đã giải quyết được đạt tỷ lệ gần 12%. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ việc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án. Kết quả công tác THADS đã góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng