Thực hiện cuộc vận động “Thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng” của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình thanh niên dám nghĩ, dám làm, lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy) thuộc thế hệ 9X trẻ và năng động. Tốt nghiệp Trường Đại học GTVT chuyên ngành Cơ khí ô tô, nhưng An lại chọn “nghiệp” củi trấu để lập thân. Sinh ra trong gia đình thuần nông, thấy thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa… bị người dân mang đốt vừa gây ô nhiễm môi trường vừa phí phạm, An trăn trở, làm sao để có thể giải quyết tình trạng rác thải nông nghiệp ở nông thôn(?). Lời giải xuất hiện trong một lần An đi công tác miền Tây Nam Bộ năm 2012, được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp. Được chủ doanh nghiệp cung cấp các thông tin về công nghệ, nguồn cung trang thiết bị sản xuất củi trấu, An đã “bỏ” công việc ở Hà Nội, về quê thuyết phục gia đình mở xưởng sản xuất củi trấu. Được bố mẹ cho vay 200 triệu đồng, anh bắt tay ngay vào mở xưởng sản xuất vào cuối năm 2012. Sau đó, anh đi thu mua trấu từ khắp làng trên xóm dưới để làm nguyên liệu, đồng thời tự mình đi chào hàng đầu ra cho sản phẩm. Lợi thế là một người trẻ năng động đã giúp anh nhanh chóng xây dựng được mạng lưới tiếp thị qua mạng, tìm kiếm được các đối tác một cách nhanh chóng. Dần dần, sản phẩm củi trấu của anh đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện, cơ sở sản xuất của Lê Trường An đã đạt doanh thu từ 1,5-2,5 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Trường An, chủ cơ sở sản xuất củi trấu xã Giao Long giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Năm 2005, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, Cao Thiên Đình, xã Hải Đông (Hải Hậu) quyết tâm vực dậy kinh tế gia đình khi bố mẹ ngày càng già yếu. Mạnh dạn nhận đấu thầu 3 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy, hải sản, anh vay mượn khắp nơi thuê người đào 2 mẫu đất để nuôi các loại cá thịt như trôi, trắm, chép, mè… Dưới nước nuôi cá, trên bờ, anh kết hợp trồng sanh, xây dựng chuồng trại nuôi 200 con lợn thịt. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm hàng nghìn con vịt, ngan, gà… Vụ đầu tiên giúp anh thu về số tiền “trong mơ”, gần 500 triệu đồng. Trả hết nợ, có thêm vốn, năm 2008, anh Đình quy hoạch, xây dựng lại chuồng trại chăn nuôi rộng đến 2.000m2, tăng số lượng cây trồng, vật nuôi ở trang trại. Năm 2010, nhận thấy, nếu mở rộng mô hình VAC của gia đình sẽ tăng thêm tiềm lực kinh tế, anh mua lại đất khu vực xung quanh trang trại của các hộ khác đưa diện tích trang trại lên tới 9.200m2. Trong đó, anh dành hẳn 6.100m2 đất để đào ao thả cá. Diện tích còn lại anh đầu tư cho chuồng trại và trồng cây sanh. Hiện tại, anh Đình ước tính trong ao có khoảng 15 tấn cá thịt, ngoài ra anh còn nuôi thêm 1.000 con lợn, 3.000 con gà, vịt các loại. Để phục vụ nhu cầu chăn nuôi cho gia đình và các hộ chăn nuôi khác, anh mở thêm đại lý cám, tiêu thụ 40-50 tấn cám/tháng. Anh Đình ước tính, nếu làm ăn thuận buồm xuôi gió, thu nhập của gia đình trong năm 2014 đạt khoảng 600-700 triệu đồng.
Những năm qua, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, các cấp Hội LHTN trong tỉnh đã tuyên truyền cho hội viên, thanh niên tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn thông qua các hoạt động như: chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm thuỷ lợi nội đồng, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông nông thôn. Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua là thanh niên trong tỉnh tích cực thực hiện các phong trào “4 mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo” và “Thanh niên đi đầu trong công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng NTM”. Theo đó, trong 5 năm, toàn tỉnh đã thành lập 271 đội hình thanh niên tình nguyện, xung kích đi đầu trong công tác dồn điền, đổi thửa. Có 12.159 hộ gia đình thanh niên đăng ký thực hiện đi đầu trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất; thành lập mới 15 CLB thanh niên sản xuất giỏi áp dụng mô hình HTX sản xuất. Phong trào "4 mới" tiếp tục được các tầng lớp thanh niên tích cực hưởng ứng và cụ thể hoá, tập trung vào việc nâng cao trình độ, khả năng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Thực hiện cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo”, các cấp Hội LHTN trong tỉnh đã chủ động phối hợp các ngành liên quan, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn tích cực động viên thanh niên tự học nghề, tìm việc làm, tạo việc làm tại địa phương và gia đình thông qua việc đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo dạy nghề trên địa bàn, phát triển các làng nghề truyền thống như dệt may, cơ khí, đúc đồng... Đối với thanh niên khối trường học, thanh niên công chức, các cấp Hội cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua khác nhau. Trong các trường THPT, các hoạt động "Tư vấn mùa thi", diễn đàn thanh niên "Chọn nghề cho tương lai", “Sáng tạo trẻ”… được định kỳ tổ chức hằng năm. 5 năm qua, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực Sông Hồng tổ chức 114 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho trên 27.080 ĐVTN các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Từ 2009-2014, đã có trên 2 nghìn lượt thanh niên được vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý qua các kênh Ngân hàng CSXH và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; toàn tỉnh có 25 nghìn lượt thanh niên được tư vấn việc làm và tham gia các lớp học nghề do các cấp bộ Đoàn, Hội phối hợp tổ chức. Đặc biệt, thông qua việc thành lập các chi hội nghề nghiệp, CLB sản xuất, kinh doanh trẻ đã giới thiệu và tạo việc làm tại chỗ cho trên 9.000 thanh niên có việc và thu nhập ổn định. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức tuyên dương 95 mô hình kinh tế thanh niên có thu nhập cao; 725 gương thanh niên làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi…
Cuộc vận động “Lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã phát huy được vai trò xung kích, tự chủ của thanh niên, nhất là vùng nông thôn trong việc đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn - Hội, mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên./.
Hoa Quyên