Tình trạng hành lang ATGT đường bộ bị chiếm dụng che khuất tầm nhìn là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT. Để giảm thiểu TNGT, một trong những việc cấp thiết là phải bảo đảm an toàn, thông thoáng hành lang đường bộ. Tuy nhiên, dù công tác này thường xuyên được chỉ đạo, thực hiện với nhiều đợt ra quân tập trung rầm rộ song tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ vẫn khá phổ biến ở nhiều tuyến đường, địa bàn.
Tại Thành phố Nam Định, vỉa hè, lòng đường ở hầu hết các tuyến phố chính bị lấn chiếm sử dụng vào các mục đích kinh doanh, quảng cáo... Tại huyện Xuân Trường, trên địa bàn các xã Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Thành, Thị trấn Xuân Trường thường xuyên tồn tại tình trạng họp chợ trên cầu, dưới lòng đường, mở quán ăn chiếm hết diện tích vỉa hè gây mất trật tự ATGT. Tại huyện Trực Ninh, trên Quốc lộ 21 đoạn qua địa phận các xã, thị trấn: Cổ Lễ, Liêm Hải, Việt Hùng, có rất nhiều hộ dân tự ý đổ bê tông, đặt tấm đan từ mặt đường lên vỉa hè gây cản trở thoát nước mặt, thu hẹp mặt đường, tạo vũng nước đọng gây hư hại nền đường, mặt đường; tự ý xếp hàng hóa, vật tư trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, đặc biệt là cản trở người đi bộ, gây TNGT. Một số nhà dân ở mặt đường tự ý cơi nới công trình, xây dựng mái che, mái vẩy; căng bạt che nắng, che mưa (khu vực ngã ba Ngặt Kéo - Liêm Hải) gây cản trở tầm nhìn của người đi đường. Nhiều gia đình có việc cưới, việc tang, khi dựng rạp chiếm hết cả lòng đường gây ùn tắc, cản trở giao thông trong khi đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện đông, nhiều xe cơ giới. Điều này làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây TNGT, làm mất trật tự công cộng.
|
Dựng rạp tổ chức đám cưới vi phạm trật tự ATGT tại ngã tư đường Hùng Vương - Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Để đảm bảo ATGT, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ hành lang ATGT được tăng cường. Trong đó, tập trung phổ biến nội dung Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 để người dân biết và chấp hành. Theo đó, Nghị định này quy định cho phép các hộ dân tạm thời sử dụng vỉa hè, một phần lòng đường vào mục đích ngoài giao thông trong thời gian ngắn như trông xe, dựng rạp khi có đám hiếu, hỉ, tập kết vật liệu xây dựng khi đang có công trình. Thời gian cho phép để thực hiện những công việc này không quá 48 giờ đối với đám tang và đám cưới; nếu sử dụng làm điểm tập kết trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình chỉ được phép từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đi đôi với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện tổ chức rà soát lập hồ sơ các vi phạm, phân loại những trường hợp đối tượng vi phạm, trong đó chú ý các trường hợp vi phạm cơi nới mở rộng diện tích sử dụng công trình của gia đình trên phần đất hành lang giao thông có khả năng chống đối việc giải toả để có giải pháp xử lý lập lại trật tự hành lang ATGT; có kế hoạch phân cấp cho xã quản lý để bảo vệ hành lang giao thông bền vững. Rút kinh nghiệm từ nhiều đợt xử lý giải tỏa vi phạm trước đây, sau khi lực lượng chức năng rút đi hành lang không được quản lý chặt chẽ, các đối tượng vi phạm lại tái lấn chiếm, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sau khi tiến hành cưỡng chế giải tỏa các vi phạm phải bàn giao lại mặt bằng hành lang giao thông cho xã, phường chịu trách nhiệm bảo vệ, chống tái lấn chiếm; ngành Giao thông phải chỉ đạo đơn vị chuyên môn thành lập các tổ công tác theo địa bàn thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. UBND Thành phố Nam Định đã yêu cầu UBND, Ban ATGT các phường, xã cần tập trung tăng cường trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, xử lý nghiêm các trường hợp tái vi phạm. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố theo thẩm quyền, đặc biệt là việc cấp phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Tập trung xử lý, giải quyết các tồn tại vi phạm vỉa hè, lòng đường; yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch, thời gian giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm còn tồn tại. Tập trung xây dựng và duy trì tuyến phố văn minh đô thị, đặc biệt là tại các địa bàn trung tâm. UBND thành phố còn yêu cầu Ban ATGT thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT hành lang đường bộ, xác định đây là trách nhiệm trực tiếp của UBND, Ban ATGT các phường, xã. Huyện Trực Ninh chỉ đạo UBND các xã, thị trấn: Cổ Lễ, Liêm Hải, Việt Hùng tổ chức kiểm tra tình trạng vi phạm hành lang giao thông trên tuyến Quốc lộ 21 đoạn qua địa bàn, yêu cầu chủ hộ tự tháo dỡ công trình xây dựng, cơi nới trái phép lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lề đường; di chuyển các vật tư, hàng hóa xếp trên đất của đường bộ ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, hoàn trả mặt bằng; ký cam kết không vi phạm kết cấu nền, mặt, lề đường. Công an huyện, Phòng Công thương huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc việc tự tháo dỡ, khắc phục vi phạm của các hộ dân./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý