An toàn giao thông - Những con số biết nói

09:10, 31/10/2014

18.697 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 6.758 người chết, 17.835 người bị thương trên toàn quốc trong 9 tháng đầu năm 2014; còn trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 93 vụ tai nạn, làm 50 người chết, 80 người bị thương; và trên thực tế con số sẽ còn cao hơn bởi còn những trường hợp cơ quan chức năng không phát hiện được, những trường hợp nạn nhân và người gây tai nạn tự giải quyết hậu quả, không báo với cơ quan chức năng. Trong số nạn nhân TNGT, đa số là những người trong độ tuổi lao động, là trụ cột kinh tế của các gia đình. Sau các vụ TNGT là những gia đình mất người thân, những đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí mất cả cha và mẹ! Những mảnh đời bơ vơ không nơi nương tựa; những gia đình kiệt quệ kinh tế để chạy chữa cho người thân; gánh nặng bảo trợ xã hội tăng lên; và có những cuộc đời vướng vòng lao lý: 9 tháng toàn quốc có 3.651 bị can bị khởi tố trong 3.691 vụ TNGT, Viện KSND các cấp đề nghị truy tố 3.292 vụ với 3.415 bị can…

Trên 2.1121,184 tỷ đồng là tổng số tiền phạt vi phạm TTATGT, trật tự đô thị trong 9 tháng đầu năm 2014 mà các lực lượng chức năng, các địa phương trên toàn quốc đã xử lý. Còn trên địa bàn tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng CSGT, TTGT đã phát hiện, xử lý 49.484 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 23 tỷ 318 triệu đồng. Như vậy, mặc dù đời sống kinh tế khó khăn, hằng ngày phải vật lộn với những nỗi lo cơm áo gạo, tiền người dân còn phải móc hầu bao ra hàng nghìn tỷ đồng để nộp phạt vi phạm chỉ vì “thói quen” không chấp hành kỷ cương pháp luật khi tham gia giao thông, coi thường mạng sống của bản thân, người thân và cộng đồng.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Hàng trăm nghìn tỷ đồng được đầu tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông nhằm cải thiện điều kiện đi lại với mục tiêu nhanh hơn, xa hơn và an toàn hơn. Nhưng, nghịch lý là đường mới to hơn, tốt hơn, đẹp hơn nhưng tai nạn nhiều hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn vẫn cứ xảy ra vì những khiếm khuyết kỹ thuật của công trình và cả vì ý thức của người tham gia giao thông chưa “tăng” kịp tốc độ phát triển đường!?

Hàng trăm văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT hằng năm được các cấp, các ngành, các địa phương ban hành, triển khai với cả nghìn hội nghị, diễn đàn, và các hình thức tổ chức khác được tổ chức thực hiện. MTTQ và các tổ chức thành viên đều có các chương trình hoạt động cụ thể vận động đoàn viên, hội viên tham gia bảo đảm TTATGT. Giáo dục về ATGT từ một nội dung sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường từ nhiều năm nay đã được ngành giáo dục đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa. Và mỗi đầu năm học, theo báo cáo của các nhà trường đều có tổ chức cho học sinh tất cả các khối lớp ký cam kết chấp hành quy tắc bảo đảm ATGT, xem nội dung này là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, thi đua của cả thầy và trò. Như vậy, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, các thành phần, đối tượng trong xã hội đều đã được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và ý thức về bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT. Kể từ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19-11-2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông đến nay, đã hơn 10 năm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đã được tăng cường thường xuyên, liên tục với nhiều đổi mới trong cách thức, phương pháp tiếp cận, phổ biến phù hợp với các đối tượng, thành phần trong xã hội. Nhưng vẫn có hàng vạn trường hợp vi phạm TTATGT mỗi ngày, tỷ lệ các vụ TNGT do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vẫn chiếm đa số. Phải chăng bởi công tác tuyên truyền, giáo dục có lúc, có nơi còn làm theo phong trào, nặng về hình thức nên “chưa ngấm” đến đối tượng tuyên truyền? Hay bởi việc giáo dục, trang bị kỹ năng sống, ý thức và kỹ năng phòng ngừa rủi ro cho người dân còn chưa đầy đủ, tư tưởng chủ quan còn nặng trong cộng đồng, vẫn coi việc đảm bảo TTATGT, phòng ngừa TNGT là trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng, khi xảy ra tai nạn rủi ro thì đổ tại “số”? Rất nhiều người có thể ngồi hàng giờ trên mạng in-tơ-nét, nơi cập nhật đầy đủ các thông tin, kiến thức về TTATGT, kỹ năng lái xe an toàn, phòng tránh tai nạn, nhưng khi bị xử phạt vẫn “lý do lý trấu” rằng chưa nắm được quy định?! Ai cũng biết khi đã say rượu bia hoặc sử dụng các chất ma túy thì thần kinh không đảm bảo minh mẫn, tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông; các doanh nghiệp, chủ phương tiện cũng hiểu rất rõ điều này, và nếu xảy ra tai nạn, va chạm giao thông họ cũng phải chịu thiệt hại cả về tài chính và những hệ lụy xã hội khác nhưng việc quản lý lái xe vẫn lỏng lẻo, vẫn khoán trắng những phương tiện có giá trị tài sản lớn và tính mạng của bao nhiêu người vào tay những lái xe thiếu ý thức, đạo đức nghề nghiệp. Nhiều gia đình cố gắng vất vả làm giàu để sắm được phương tiện hiện đại, nhưng rồi vừa mất người, vừa mất của vì lái xe khi đã say rượu… Trong 9 tháng đầu năm toàn quốc đã tiến hành kiểm tra sức khỏe của 129.105/136.132 lái xe, phát hiện 1.769 trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe (bao gồm cả dương tính với chất ma túy). Tại tỉnh ta, trong số 17 lái xe không đủ sức khỏe có 7 trường hợp dương tính với chất ma túy…

Một em bé bất hạnh phải chào đời trên mặt đường nhựa vì TNGT! Một nữ phóng viên tuổi xuân đang phơi phới tử nạn vì lái xe buýt chạy ẩu khiến cho bao bạn bè, đồng nghiệp và cả những chiến sĩ Trường Sa từng gặp cô khi ra đảo tác nghiệp phải xót xa thương tiếc! Một em bé 3 tháng tuổi được người nhà bế ngồi chơi trong nhà vẫn không thoát khỏi TNGT, vĩnh viễn lìa đời vì người lái “xe điên” không làm chủ tay lái… Không ngày nào trên cả nước không có người bước chân ra khỏi nhà và vĩnh viễn không quay trở về vì TNGT. Bệnh tật, TNGT… đang làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội ngày càng trở nên quá tải! Đại hội đồng LHQ đã phải ra Nghị quyết A/64/L.44 về “Chương trình thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ giai đoạn 2011-2020”. Nếu bảo đảm ATGT, phòng ngừa TNGT không được từng người, từng gia đình, toàn xã hội xác định là trách nhiệm của chính mình thì TNGT không thể kiềm chế, ngăn chặn để có hạnh phúc, bình yên sau mỗi chuyến đi cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội!

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com