Xung quanh nghề giúp việc gia đình

04:09, 13/09/2014
Bà N. ở xã Hồng Quang (Nam Trực) làm giúp việc cho chị Mai ở phố Bến Ngự (TP Nam Định) đã gần chục năm trước, nhưng mỗi lúc nhắc đến bà, chị Mai luôn thể hiện tình cảm trân trọng biết ơn đặc biệt.
 
Do đặc thù công việc, chị thường xuyên phải đi sớm về khuya, chồng chị thì công tác liên miên, hai bên bố mẹ đều ở xa không thể hỗ trợ trông cháu. Được người quen giới thiệu, chị về tận nhà bà N. nói chuyện rồi chở bà lên phố, nhờ chăm sóc con gái mới được 4 tháng tuổi. Mặc dù chị thỏa thuận với bà chỉ cần cho cháu ngủ, ăn bột, uống sữa đúng giờ nhưng với bản tính chăm chỉ ngày nào bà cũng dậy sớm, lau nhà sạch sẽ, chuẩn bị bữa sáng cho chị; tranh thủ lúc cháu ngủ thì rửa bát đĩa, giặt giũ, làm các công việc lặt vặt. Sợ bà mệt, chị Mai nhắc nhở thì bà cười xòa, bảo có gì vất vả đâu, tôi đang làm việc tay chân quen rồi, không làm có khi lại ốm. Chị Mai rất yên tâm vì tính bà sạch sẽ, cẩn thận, lại mát tay nuôi trẻ, con bé nhà chị được bà chăm sóc ăn ngủ điều độ, ít khi ốm đau. Để trả công bà, ngoài tiền hằng tháng theo thỏa thuận, chị còn mua tặng bà quần áo, giày dép, biếu thêm tiền những dịp lễ, tết. Thỉnh thoảng bà về quê, mang lên chục trứng gà tươi hoặc con gà ngon làm quà cho chị Mai. Tình cảm giữa chủ nhà và người giúp việc cứ ngày một gắn bó khăng khít khiến người ngoài không biết cứ tưởng bà và chị là hai mẹ con. 
Đào tạo nghề giúp việc gia đình. Ảnh: Internet
Đào tạo nghề giúp việc gia đình. Ảnh: Internet
Dù không tạo được sự thân thiết với chủ nhà như bà N. do chỉ làm giúp việc gia đình theo giờ, nhưng chị H. ở phường Hạ Long (TP Nam Định) cũng tạo được sự tin tưởng của nhiều người. Chị chẳng nề hà việc gì, dù là chăm người ốm trong bệnh viện, trông coi người già, lau chùi, dọn dẹp nhà cửa vừa xây xong, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ…, chỉ cần gọi điện là nửa tiếng sau chị đã có mặt, thoăn thoắt làm các việc chủ nhà giao một cách nhanh gọn và đầy trách nhiệm. Đôi lúc, chị cũng cảm thấy hơi chạnh lòng bởi hai tiếng “ôsin”, nhưng nỗi buồn đó cũng qua mau bởi thu nhập từ nghề giúp việc gia đình đã giúp chị nuôi được hai con ăn học. Vừa rồi, có người nhờ chị lên Hà Nội trông trẻ trong vòng một năm, mỗi tháng trả ba triệu rưỡi, cơm nuôi, sau những đắn đo, chị đã nhận lời. Chị bảo, một cháu đi bộ đội về, ngày học nghề sửa xe máy, tối thì chạy bàn cà phê, một cháu năm tới vào cấp ba, nói chung là còn nặng gánh. Thôi thì mấy bố con chịu khó ở nhà, chị đi một năm cũng nhanh, về lại có tí vốn cho các cháu học hành, lập nghiệp sau này…
 
Trong nhịp sống hiện đại, nơi đô thị hiện nay, mọi người đều bận rộn với công việc làm ăn, buôn bán ngoài xã hội nên nhu cầu tìm người giúp việc gia đình ngày càng tăng. Nghề này cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ nông thôn. Trên thực tế, đã có nhiều quan hệ, tình cảm tốt đẹp đã hình thành giữa chủ nhà và người giúp việc. Tôi từng chứng kiến một câu chuyện cảm động. Có cụ ông trong một biệt thự ở Khu đô thị Hòa Vượng, một hôm đi bộ gặp một bà đang trông cháu bé liền hỏi: “Cháu ngoại hay cháu nội của bà đấy ạ?”. Bà ngượng ngùng đáp: “Dạ, không phải cháu tôi, tôi chỉ là người giúp việc”. Ông liền cười rất hiền và bảo: “Bà ơi, người có của, người có công, sao phải nghĩ thế làm gì”. Bà giúp việc sau bị ho nhiều quá, được nhà chủ đưa đi bệnh viện khám. Khi biết bà bị lao phổi chủ nhà đã khuyên bà về quê nghỉ ngơi và biếu tiền để bà đi điều trị bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào mối quan hệ giữa nhà chủ và người giúp việc cũng suôn sẻ như vậy. Có những chủ nhà lắm tiền thường hợm của, khinh người, đối xử với người giúp việc theo kiểu “chủ - tớ”, đòi hỏi họ phải làm việc quá mức nhưng trả công không tương xứng, thậm chí có những lời nói xúc phạm, miệt thị người giúp việc. Trong khi đó, phần lớn người làm nghề giúp việc không có hợp đồng lao động với chủ nhà, quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của hai bên nên nhiều trường hợp, khi xảy ra chuyện không vừa ý chủ nhà, người giúp việc bị cắt luôn lương mà không biết kêu ai (?)… Ngược lại, nhiều người giúp việc do không có sự ràng buộc bằng văn bản pháp lý nên sau kỳ nghỉ lễ, tết, được nơi khác trả lương cao hơn hoặc vì lý do gì đó không tiếp tục công việc nữa khiến không ít chủ nhà không kịp “trở tay”, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người ốm.
 
Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động làm nghề giúp việc, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Theo Nghị định này, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động; trong đó người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, tết theo quy định. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm chi trả BHXH, BHYT cho người giúp việc và không được phép trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-5-2014 được xem là sẽ bảo vệ tốt hơn người giúp việc gia đình về mặt pháp luật khi chính thức coi đây là một nghề trong xã hội, mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho nhiều phụ nữ nông thôn lúc nông nhàn./.
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com