Tiếp tục thực hiện luân phiên cán bộ y tế hỗ trợ tuyến dưới

07:09, 18/09/2014
Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (Đề án 1816) của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tiếp nhận nhiều lượt cán bộ, thầy thuốc các đơn vị chuyên khoa đầu ngành Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Ung bướu, Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương… về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và đã đạt được kết quả tích cực. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, đã có 7 bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận hỗ trợ 56 kỹ thuật được chuyển giao từ các bệnh viện Trung ương với số lượt cán bộ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật là 172 người. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chuyển giao tổng số 105 kỹ thuật cho các bệnh viện huyện, với 57 lượt cán bộ y tế tuyến huyện được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. 11 bệnh viện tuyến huyện đã cử 62 lượt cán bộ đi luân phiên tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn, 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận 115 kỹ thuật với 158 cán bộ y tế được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. 
Siêu âm cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Siêu âm cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thực hiện Đề án, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Nội tiết tỉnh và Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã được tiếp nhận các cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Tâm thần Trung ương về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện Đề án, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đã được nâng lên rõ rệt. Với thời gian luân phiên hỗ trợ từ 1-3 tháng, các cán bộ y tế tuyến trên đã hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, triển khai một số kỹ thuật mới như: siêu âm; điện trường châm, thủy châm; điện châm hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy; phẫu thuật nội soi cắt túi mật, viêm ruột thừa; kỹ thuật kết hợp xương dưới hướng dẫn của màn hình Xquang tăng sáng; khám, điều trị tật khúc xạ trẻ em; mổ lấy thai đường ngang; kỹ thuật cắt ruột thừa ngược dòng, cắt lách, cắt túi mật, gỡ dính ruột, cắt gan theo tổn thương... Các bệnh viện tỉnh cử cán bộ luân phiên về tuyến huyện và các cán bộ bệnh viện tuyến huyện cử cán bộ luân phiên về trạm y tế xã đã đồng thời trực tiếp khám, điều trị, phẫu thuật bệnh nhân, giúp cán bộ y tế tuyến dưới được “tai nghe, mắt thấy” để ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, việc luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới mà còn giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến khoảng 25-30%. Để thực hiện Đề án 1816 hiệu quả, hằng năm Sở Y tế xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 của toàn ngành và triển khai tới các đơn vị y tế trong tỉnh. Công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 của tỉnh được triển khai ở tất cả các tuyến khám, chữa bệnh, đã nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, giảm được tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến khoảng 0,21% mỗi năm; một số ca bệnh nặng đã được kịp thời cứu chữa tại các bệnh viện địa phương; ở một số bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên đã thực hiện được các dịch vụ như chạy thận nhân tạo, mổ nội soi... Việc thực hiện Đề án đã đáp ứng được nguyện vọng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế các tuyến trong tỉnh và giảm đáng kể chi phí cho người bệnh. Các đơn vị y tế tuyến trên còn đảm nhiệm việc nhận cán bộ y tế tuyến dưới lên học tập, tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh để áp dụng vào công việc khám, chữa bệnh hằng ngày.
 
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 1816 trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ ở các tuyến còn thiếu. Thời gian quy định luân phiên cán bộ là 3 tháng cũng ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, nhất là tuyến huyện vì có bệnh viện có khoa chỉ có 1 đến 2 bác sĩ. Một số nơi chưa thực hiện tốt quy trình cử cán bộ luân phiên và cũng không có đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chuyển giao. Bên cạnh đó, thời gian đi luân phiên của cán bộ tuyến trên, điều kiện cơ sở vật chất cũng như trình độ của tuyến dưới khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật còn chưa chặt chẽ, nhân lực tuyến dưới còn thiếu. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đề án 1816, thời gian tới Sở Y tế cần tiến hành khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu của tuyến dưới, xây dựng kế hoạch hằng quý, hằng năm cụ thể, duy trì việc thực hiện cử cán bộ luân phiên về bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, thực hiện luân phiên cán bộ ở tất cả các tuyến trong toàn tỉnh. Tổ chức các đợt giám sát định kỳ, đột xuất việc thực hiện Đề án. Quy định cụ thể mỗi cán bộ luân phiên có trách nhiệm chuyển giao hoặc tham gia ít nhất 1 kỹ thuật cho tuyến dưới, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới ít nhất 1 nội dung chuyên môn trong 1 đợt đi luân phiên./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com