Nhiều người dân ở thôn Bất Di 1, xã Quang Trung (Vụ Bản) đều biết đến nghị lực vượt lên mặc cảm, lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng của anh Trần Ngọc Phúc, sinh năm 1975. Anh Phúc có một thời thanh niên khá sôi nổi, sau khi học xong THPT, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm trong quân ngũ, anh trở về địa phương và tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Tuy nhiên, do tuổi trẻ bồng bột, suy nghĩ còn nông nổi, lại do bạn bè lôi kéo nên anh đã sa đà vào nghiện ma túy, tài sản trong gia đình anh cứ thế bị “cuốn bay” theo làn “khói trắng”. Trong một lần uống rượu say không làm chủ được bản thân, anh bị một số bạn bè xấu rủ rê tham gia trộm cắp tài sản nhưng đã bị bắt và bị TAND huyện Vụ Bản kết án 8 tháng tù giam. Trong thời gian chấp hành án ở Trại tạm giam của Công an tỉnh, anh đã được các cán bộ quản giáo động viên, cảm hóa, giáo dục cộng với sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, vợ con đã giúp anh nhận thức được những việc làm sai trái của mình. Từ đó anh đã nỗ lực cải tạo tốt, chăm chỉ lao động, chấp hành nghiêm các quy định của trại tạm giam để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Do cố gắng cải tạo tốt, tháng 2-2011, anh Phúc được ra tù; những ngày đầu trở về với cuộc sống tự do là quãng thời gian vô cùng khó khăn với anh khi phải đối diện với sự kỳ thị, xa lánh của một số người ở địa phương, sự mặc cảm của bản thân rồi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng với quyết tâm trở về làm người lương thiện, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh đã quyết định tiếp nối nghề rèn truyền thống của gia đình. Sẵn có tay nghề làm thợ rèn, được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của gia đình và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn đứng ra mở một xưởng rèn tại gia đình, chủ yếu sản xuất các dụng cụ phục vụ việc chế tác đồ gỗ mỹ nghệ như: đục, tràng, dũa… Anh Phúc cho biết: “Bước đầu việc kinh doanh của tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt khách hàng còn e dè với quá khứ lầm lỗi của tôi và chưa tin tưởng vào sản phẩm tôi làm ra nhưng không vì thế mà tôi chùn bước. Vừa làm, vừa kiên trì học hỏi, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đồng thời tôi đã chủ động đi giới thiệu sản phẩm đến các cơ sở chế tác đồ gỗ”. Nỗ lực vượt khó của anh đã được đền đáp, với lợi thế chất lượng sản phẩm tốt, giá cả phù hợp nên sản phẩm của cơ sở sản xuất của anh ngày càng được biết đến rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, anh cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất và mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Vượt qua khó khăn ban đầu, cơ sở sản xuất của anh đã dần đi vào làm ăn có lãi, các sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Công việc làm ăn thuận lợi, từ nguồn vốn vay và nguồn vốn tích lũy được, anh đã tiếp tục đầu tư, phát triển, mua các máy móc trang thiết bị mở rộng sản xuất. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đã cung cấp sản phẩm cho nhiều cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ của những làng nghề nổi tiếng như: La Xuyên (Nam Định), Phú Xuyên (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và nhiều cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 năm không ngừng nỗ lực trở về tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng kinh tế gia đình, hiện nay anh Phúc đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang với một căn nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi và một cơ sở sản xuất với diện tích 300m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động với mức thu nhập trung bình 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trần Ngọc Phúc là một trong rất nhiều điển hình nỗ lực vượt lên mặc cảm tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong 2 năm qua, tổng số người chấp hành xong án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc có hộ khẩu cư trú trên địa bàn tỉnh là 2.161 người, trong đó số người đã về địa phương là 1.569 người, chiếm 72,6%; hiện trên địa bàn tỉnh có 2.261 người trong diện tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong 2 năm qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời đã từng bước thay đổi nhận thức định kiến, kỳ thị đối với người phạm tội. Các ngành, các cấp đã nêu cao vai trò trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia công tác giúp đỡ, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cần thiết để họ có cuộc sống ổn định, hạn chế tái phạm, góp phần giữ vững ANTT, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Lực lượng Công an các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý, giáo dục cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, tha tù trở về địa phương; đồng thời động viên họ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, giúp đỡ họ xóa bỏ mặc cảm vươn lên hòa nhập cộng đồng. UBND các phường, xã đã phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể và thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác thực hiện tái hòa nhập cộng đồng; chỉ đạo các tổ dân phố, thôn, xóm tổ chức vận động nhân dân phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm… để người chấp hành xong án phạt tù vươn lên sớm ổn định cuộc sống. Trong 2 năm qua, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho 782 người, cấp CMND cho 680 người đã chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn làm thủ tục xóa án tích cho 81 người, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 453 người; Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn tín dụng và giới thiệu việc làm, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm trong các doanh nghiệp, đến nay 1.086 người có việc làm; Sở NN và PTNT cùng với các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ 626 người chấp hành xong án phạt tù phát triển nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, các mô hình điểm tái hòa nhập cộng đồng đã tham gia giúp đỡ thành công 113 người chấp hành xong án phạt tù, tạo việc làm cho 42 người; tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm chỉ có 3,7%...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo các điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; Vận động nhân dân tham gia giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành, đoàn thể địa phương quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ tạo việc làm, tổ chức các hoạt động thiết thực giúp đỡ người được đặc xá tha tù, chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống; Lực lượng Công an các cấp chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương…
Thu Thuỷ