Xã Hải Thịnh, nay là Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là vùng đất trẻ. Cách đây 120 năm, nơi đây còn là bãi biển hoang sơ đầy lau lác.“Đất lành chim đậu”(!) những cư dân từ các địa phương trong tỉnh và vùng lân cận đã về đây cùng chung sức, chung lòng chống chọi với thiên tai, giặc ngoại xâm, vừa quai đê lấn biển, cải tạo đồng ruộng làm thuỷ lợi, thau chua, rửa mặn, xây dựng làng, xã trở thành một vùng quê giàu đẹp. Trong nhịp sống hôm nay, Thịnh Long đang ngày càng khởi sắc, vươn lên trở thành “Đô thị loại IV” trong tương lai.
Bản hùng ca nơi cửa biển
Trong không khí mùa thu Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, chúng tôi về Thị trấn Thịnh Long, vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây được xem là “Cồn Cỏ” Nam Hà. Ông Phạm Minh Ích, hiện sống tại tổ 21, Thị trấn Thịnh Long là một trong những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia đánh giặc ngay trên mảnh đất quê hương. Dẫn chúng tôi đi thăm “chiến trường xưa”, trên những con đường được bê tông hóa theo dọc bờ biển, dừng lại bên cửa Lạch Giang, nơi sông Ninh Cơ đổ ra biển, ông Ích kể, năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc, là địa bàn trọng điểm về quốc phòng, xã Hải Thịnh đã phải hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù.
Khuôn mặt hằn những nếp nhăn, dõi mắt về hướng biển, ông Ích xúc động: Nơi chúng ta đang đứng, vào 9 giờ sáng ngày 22-5-1965, một tốp máy bay F4 của Mỹ điên cuồng bắn phá 2 tàu hải quân của ta. Theo phương án hiệp đồng tác chiến, lực lượng du kích được lệnh xuất kích; 13 du kích của Hải Thịnh do tôi làm xã đội phó và đồng chí Nguyễn Hữu Tước, chính trị viên trung đội chỉ huy trên một con thuyền vượt qua đạn bom của máy bay Mỹ ứng cứu tàu hải quân của ta vừa bị trúng bom địch. Nữ y tá Ninh Thị Xuyến kịp thời cùng đồng đội băng bó, cấp cứu cho các chiến sĩ bị thương. Sau hơn một giờ vật lộn với sóng gió và bom đạn, các chiến sĩ đã cứu vớt được 32 thuỷ thủ. Đây là chiến công của tinh thần chủ động, tích cực phối hợp tác chiến, cổ vũ quân dân Hải Thịnh vững bước trong những trận chiến đấu mới. Ngày 16-11-1965, lực lượng vũ trang Hải Thịnh bắn rơi 1 máy bay F105 của Mỹ. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 15-4-1966, dân quân Hải Thịnh lại bắn rơi một máy bay Mỹ. Hình ảnh nữ du kích Hà Thị Nhiên kéo xác máy bay trên bãi biển quê hương đã nhanh chóng được giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè năm châu. Với ý chí cao, với những kinh nghiệm đã được đúc kết, ngày 21-7-1966, cụm trực chiến Hải Hoà gồm du kích 3 xã: Hải Hoà, Hải Châu, Hải Thịnh đã hợp đồng chặt chẽ, bắn rơi một máy bay F105.
Giáo dục truyền thống quê hương cho học sinh Trường Tiểu học Thịnh Long A. |
Năm 1967, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Dải đất Hải Thịnh được gọi là “Cồn Cỏ” Nam Hà rung lên trong tiếng gầm rít của máy bay, tàu chiến, đạn pháo, thuốc súng, khói lửa mịt mùng. Ngay trong bom đạn, dân quân du kích Hải Thịnh đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội bắn trả địch quyết liệt. Vừa tích cực phục vụ tiếp đạn, vừa sẵn sàng thay thế các pháo thủ bị thương. Nguyễn Thị Mơ dũng cảm nạp đạn liền 50 viên. Pháo thủ số 3 Phạm Thị Bưởi, xông pha giữa bom đạn, vác những hòm đạn nặng hơn nhiều so với trọng lượng bản thân lao vào trận địa, được bộ đội và nhân dân tặng danh hiệu “Ngô Thị Tuyển của Nam Hà”. Gia đình đồng chí Lê Văn Ngơn cả nhà tham gia chiến đấu: hai con gái vừa làm pháo thủ 37 ly, vừa cùng cha tiếp đạn cho bộ đội. Chiến công của quân dân Hải Thịnh bắn cháy tàu chiến địch trong ngày 3-6-1967 là biểu hiện sinh động của sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích, giữa lực lượng trực tiếp chiến đấu với lực lượng phục vụ chiến đấu.
Ngày 3-6-1968 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng đã về thăm xã Hải Thịnh trong lúc chiến tranh diễn ra ác liệt. Đồng chí biểu dương “Trung ương hy vọng xã Hải Thịnh sẽ trở thành xã kiểu mẫu cho các xã ven biển của cả nước”. Trong chiến đấu ác liệt, mỗi người dân Hải Thịnh là một chiến sĩ kiên cường.
Rạng rỡ một vùng quê!
Thị trấn Thịnh Long hôm nay đang vững tiến trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Cùng đồng chí Lê Công Sản, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long đi thăm các khu dân cư, chúng tôi được chứng kiến không khí náo nức, tưng bừng của những người dân nơi đây trong những ngày kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Đứng trên tầng 9, Bảo tháp chùa Linh Ứng, dõi tầm mắt về cửa Lạch Giang, nơi dòng Ninh Cơ chảy ra Biển Đông là một bức tranh sinh động về diện mạo đô thị sầm uất trong tương lai thuộc dự án Khu kinh tế Ninh cơ. Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, nằm trong hạng mục số 9, giai đoạn II của dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Dự án WB6) được thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Nam Định với tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD (85,11% vốn vay của WB, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ). Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho đường bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần mở rộng giao thương vận tải thủy, phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, công trình luồng cửa Lạch Giang hoàn thành sẽ thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối với cả nước thông qua tuyến vận tải pha sông biển, giúp tàu có tải trọng 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và tàu 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và Cảng Ninh Phúc. Ngày 9-7-2014, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND “Về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là đô thị loại IV”. Tháng 5-2014, thị trấn là một trong 9 xã, thị trấn đầu tiên của cả tỉnh được công nhận “Đạt chuẩn quốc gia NTM” giai đoạn 2011-2015. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn đạt bình quân 12,3%/năm. Hằng năm, tổng giá trị thu nhập trên địa bàn đạt từ 203-240 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực; trong đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 36%; CN-TTCN và dịch vụ - du lịch chiếm 64%. Hơn 3 năm qua, nhân dân thị trấn đã tự nguyện hiến 205.740m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông thôn, xóm; đắp mới 49,5km bờ vùng, bờ thửa; làm mới, nâng cấp 44,3km đường giao thông trong khu dân cư; nâng cấp, kiên cố hóa 43km hệ thống thoát nước dân cư. Tổng nguồn vốn huy động đạt 66 tỷ 991 triệu đồng; trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp hơn 20 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Để tạo nguồn lực thực hiện Đề án, Đảng uỷ, UBND thị trấn đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với khuyến khích phát triển CN-TTCN, dịch vụ; tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn luôn quyết tâm triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố NTM, gia đình NTM với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND thị trấn tiếp tục lãnh đạo, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân; tác động khích lệ huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các nghề truyền thống được mở rộng và phát triển thêm ngành nghề mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển CN-TTCN và dịch vụ, du lịch; thực hiện chính sách an sinh xã hội; tạo cơ sở để Thị trấn Thịnh Long sớm trở thành đô thị loại IV./.
Bài và ảnh: Việt Thắng