Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Giao Xuân (Giao Thủy), từ năm 1995 đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn xã là 62 người, trong đó 49 người đã bị chết bởi AIDS. Có gia đình cả vợ, chồng, con đều nhiễm HIV. Hiện xã đang quản lý 13 người nhiễm HIV, bao gồm 6 nam, 5 nữ và 2 trẻ em dưới 5 tuổi. Trước thực trạng này, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông để mọi người dân trong cộng đồng hiểu về căn bệnh thế kỷ, từ đó đồng cảm, chia sẻ hơn đối với người nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV hằng tháng đến lĩnh thuốc ARV tại trạm y tế đều được quản lý, theo dõi chặt chẽ về thời gian, liều lượng uống. Đặc biệt, từ tháng 1-2014, khi mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng được triển khai tại xã, các hoạt động tư vấn, chăm sóc, theo dõi các đối tượng nhiễm HIV có những chuyển biến rõ rệt; trong đó có sự đóng góp tích cực của cán bộ chuyên trách dân số xã. Với sự tín nhiệm của cộng đồng, lòng nhiệt tình và những kinh nghiệm tuyên truyền, vận động của chị Nguyễn Thị Sáu, cán bộ chuyên trách dân số xã, khi triển khai các hoạt động của mô hình mặc dù khó khăn khi tiếp cận đối tượng nhiễm HIV nhưng chị đã kiên trì, kín đáo đến nhà đối tượng động viên, chia sẻ để giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
|
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Xuân (Giao Thủy) khám bệnh cho người dân. |
Xã Giao Xuân hiện là một trong 29 xã, phường của tỉnh được chọn triển khai mô hình thí điểm chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Đây là những địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV cao trên địa bàn tỉnh. Mô hình do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ. Công tác chăm sóc hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS dựa trên đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số tại cơ sở - những người có kinh nghiệm, tâm huyết trong công tác dân số - KHHGĐ. Cán bộ chăm sóc đã vận động được nhiều đối tượng đến các phòng khám ngoại trú để xét nghiệm, điều trị. Một số nhân viên chăm sóc còn hỗ trợ tìm việc làm cho người nhiễm HIV, giúp họ có thu nhập từ nghề rửa xe, phụ hồ. Ngoài ra người nhiễm HIV còn được chuyển gửi đến khám lao, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; người thân của người nhiễm HIV được giới thiệu đến chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Hiệu quả rõ nhất của mô hình đối với những người bị nhiễm HIV là đã phần nào xóa bỏ sự mặc cảm, phản ứng tiêu cực đối với xã hội. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV tại cộng đồng, Ban quản lý mô hình đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên chăm sóc những kiến thức bổ ích, có ý nghĩa thực tế về hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị tại phòng khám ngoại trú; hỗ trợ tuân thủ điều trị; giao tiếp, tư vấn khách hàng; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; chuyển gửi và theo dõi, lập kế hoạch sinh con cho các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi HIV. Lớp tập huấn đã tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV. Trên cơ sở những kiến thức đã được tập huấn, các nhóm chăm sóc tại nhà đã tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động sự ủng hộ và các nguồn lực sẵn có, hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và giảm sự phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng; giới thiệu những người có nguy cơ cao đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, chuyển gửi những người nhiễm HIV tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc, điều trị và thường xuyên tái khám kiểm tra sức khỏe để có can thiệp kịp thời. Các nhóm chăm sóc đối tượng nhiễm HIV tại nhà cũng tích cực vận động các tổ chức xã hội đóng góp kinh phí, tạo công ăn việc làm cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế gia đình; duy trì chăm sóc cho những người đã được tiếp cận, đồng thời mở rộng mô hình chăm sóc cho những người mới. Tính đến hết tháng 6-2014, lũy tích số người đã được chăm sóc tại Thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Giao Thủy là 886 người; số người đang được chăm sóc là 679 người. Số bệnh nhân được chuyển đến các cơ sở dịch vụ hỗ trợ khác (phòng khám ngoại trú người lớn, phòng khám ngoại trú nhi, lao, da liễu, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, chương trình Methadone) là 349 người. Lũy tích số người thân của thân chủ được chăm sóc tại nhà là 1.672 người. Ngoài ra, có hàng trăm người được hỗ trợ từ chương trình tiếp cận cộng đồng và các chương trình hỗ trợ khác về học nghề, vay vốn, bảo hiểm, việc làm. Trong khuôn khổ của mô hình, Ban quản lý mô hình tỉnh còn phối hợp chặt chẽ và cập nhật thông tin thường xuyên với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh nhằm đảm bảo những vướng mắc, đề xuất của các nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng được giải quyết đáp ứng kịp thời.
Với những hiệu quả bước đầu của mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng tại xã Giao Xuân và 28 xã, phường cho thấy, việc nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS./.