Nghĩa Phú đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

06:09, 27/09/2014

Xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) có 2.891 hộ, với gần 9.500 khẩu, trong đó có 4.650 người trong độ tuổi lao động, phần lớn là lao động phổ thông và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, đưa nghề mới về xã, đồng thời duy trì, phát triển các nghề truyền thống như làm nón, dệt chiếu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ, ở xóm 1, xã Nghĩa Phú xử lý rơm chuẩn bị cho mùa sản xuất nấm sò và nấm mỡ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ, ở xóm 1, xã Nghĩa Phú xử lý rơm chuẩn bị cho mùa sản xuất nấm sò và nấm mỡ.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện, xã Nghĩa Phú đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tiêu chí NTM”. Để triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động, xã Nghĩa Phú tổ chức các hội nghị quán triệt cho cán bộ, đảng viên và tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, xã đã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó xã tổ chức các lớp đào tạo các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: quy trình sản xuất giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, trồng nấm rơm, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản… và nghề may công nghiệp, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động. Riêng thực hiện theo Quyết định 1956, từ năm 2011 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH huyện và các đơn vị dạy nghề tổ chức 7 lớp học nghề cho 230 lao động, gồm 6 lớp may công nghiệp cho 195 lao động và 1 lớp đào tạo nghề trồng nấm cho 35 lao động. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên mỗi năm tổ chức 17-20 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc cho hàng nghìn lượt người. Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, các học viên học nghề nông nghiệp đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Cũng nhờ đó, thời gian qua, xã đã nhanh chóng mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn từ mô hình trình diễn 20ha (năm 2012) lên 5 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 50ha. Diện tích này có năng suất lúa tăng từ 10-15% so với cấy truyền thống và giảm chi phí từ 15-20%. Các học viên học nghề may công nghiệp đều tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở may ở trong và ngoài xã hoặc nhận hàng gia công tại nhà. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 cơ sở may công nghiệp, tạo việc làm cho trên 300 lao động, với mức thu nhập trung bình 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Chị Vương Thị Đông, ở xóm 15, xã Nghĩa Phú cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm ruộng, cuối năm 2013, tôi được học nghề may công nghiệp theo Đề án 1956, sau khóa học, tôi đã xin vào làm tại cơ sở may của chị Vũ Thị Điệp, thu nhập đều đều từ 3-3,5 triệu đồng mỗi tháng, đời sống gia đình cũng dần ổn định”. Cùng với công tác đào tạo nghề, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Anh Vũ Văn Khương, chủ cơ sở may công nghiệp ở xóm 12 xã Nghĩa Phú cho biết: Cơ sở thành lập từ năm 2010, ban đầu có 20 máy; đầu năm 2013 tôi được vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm ổn định cho trên 40 lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2014, đã có 156 cơ sở sản xuất, gia đình được vay vốn từ các nguồn với số dư trên 2,8 tỷ đồng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự tích cực tham gia của người lao động, xã Nghĩa Phú đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36% (năm 2013) lên 40%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,14% năm 2013 đến nay còn 5,15%./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com