Để đạt mục tiêu đề ra trong công tác dân số - KHHGĐ, huyện thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực và phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cơ sở. Toàn huyện hiện có 25 cán bộ chuyên trách dân số, 343 CTV dân số. Riêng đội ngũ CTV có 66% là nhân viên y tế thôn, đội. Hằng năm, đội ngũ này đều được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và cách thu thập thông tin biến động liên quan đến lĩnh vực dân số - KHHGĐ như: số người sinh, số người tử, số người chuyển đến, chuyển đi, số người sử dụng các biện pháp tránh thai… Cán bộ chuyên trách, CTV dân số còn được trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số. Thực hiện các chương trình, mục tiêu dân số, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện xây dựng chuyên mục “Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc” phát sóng đều đặn hằng tuần. Trong công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ, các ngành, đoàn thể trong huyện đã có nhiều hoạt động tích cực như: Duy trì sinh hoạt của các CLB tiền hôn nhân, CLB gia đình hạnh phúc; lồng ghép công tác dân số trong các hội nghị. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về CSSKSS-KHHGĐ cho hội viên ở cơ sở. Trong đó, từ đầu năm 2014, đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức tuyên truyền về công tác dân số tại xã Nghĩa Hùng; Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tổ chức hội nghị, lồng ghép tuyên truyền về dân số tại xã Nam Điền. Nhiều địa phương trong huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác dân số - KHHGĐ. Tiêu biểu như xã Nghĩa Châu mỗi năm đầu tư từ 8-10 triệu đồng cho công tác dân số. Mỗi đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, xã đều họp ban chỉ đạo, huy động bí thư chi bộ, trưởng xóm ở 19 xóm cùng vào cuộc. Nhờ đó, xã thường xuyên duy trì tỷ lệ trên 80% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Năm 2013, tỷ lệ người sinh con thứ 3 của xã đã giảm xuống còn 15,7%. Trong đó xóm 4 đã 13 năm liên tục, xóm 1 đã 8 năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Trong quá trình triển khai hoạt động của các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, huyện Nghĩa Hưng cũng đã huy động nhiều nhóm đối tượng tham gia. Từ năm 2009, huyện đã triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng dân số ở 9 xã điểm là: Nghĩa Hùng, Nghĩa Thành, Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phú, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi; đến năm 2011 triển khai thêm tại 3 xã Nghĩa Phong, Nghĩa Hồng, Nghĩa Châu. Với nhiều hoạt động: rà soát, điều tra, khảo sát các đối tượng phụ nữ có gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, cung cấp tờ rơi về các loại bệnh lý thường gặp ở thai nhi; nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng có nguy cơ cao cần phải sàng lọc, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ mới kết hôn; tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn; tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho nữ hộ sinh các trạm y tế và bác sĩ sản khoa của 2 bệnh viện đa khoa huyện; qua đó, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Triển khai Đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số các vùng biển, đảo, ven biển. Các xã, thị trấn: Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Rạng Đông, Nam Điền, Nghĩa Hải trước đây tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên rất cao, thường từ 35-38%, gây khó khăn trong việc giảm sinh. Sau một thời gian triển khai đề án, các địa phương đều có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân số - KHHGĐ.