Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai và quản lý có hiệu quả nguồn Quỹ quay vòng vốn (QVV) xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, góp phần tích cực cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng đời sống của gia đình hội viên.
Tại xã Liên Bảo (Vụ Bản), qua khảo sát năm 2007, có tới hơn 50% gia đình hội viên chưa có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; họ vẫn sử dụng nhà tiêu cầu, đổ tro, trấu lấy phân bón ruộng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và phát sinh nhiều dịch bệnh. Từ năm 2008, xã Liên Bảo là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được tiếp nhận Quỹ QVV do Hội Phụ nữ tỉnh quản lý, điều hành. Từ vài chục hộ vay ban đầu, đến nay, toàn xã đã có 451 hộ vay với tổng số vốn lên tới trên 2 tỷ đồng. Chị Hoàng Thị Hạnh, một trong những hội viên được vay vốn Quỹ QVV của xã cho biết: “Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn song nhờ có cơ chế trả vốn, lãi định kỳ hằng tháng, mỗi tháng chỉ vài chục đến 100 nghìn đồng hoàn toàn phù hợp với các hộ khó khăn nên tôi luôn hoàn trả vốn, lãi đúng hạn, từ đó gia đình đã xây dựng được công trình vệ sinh khép kín. Ngoài ra, trong thời gian tham gia quỹ, tôi còn dành được một số tiền tiết kiệm đáng kể để phòng lúc khó khăn”. Với mục tiêu góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân các vùng nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, Quỹ QVV hướng tới xây dựng một hệ thống tín dụng giúp các gia đình có thu nhập thấp có điều kiện xây mới và cải tạo công trình vệ sinh. Đối tượng được vay vốn ưu tiên cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có công trình hợp vệ sinh. Thông qua việc thành lập các nhóm tín dụng, tiết kiệm tại các chi hội, quỹ sẽ cho các thành viên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Với món vay từ 3 đến 6 triệu đồng/hộ, các thành viên phải hoàn trả vốn, lãi hằng tháng với số tiền trên dưới 100 nghìn đồng/tháng. Để Quỹ QVV phát huy hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn về các xã, chỉ đạo Hội LHPN các huyện có dự án phân công cán bộ xuống từng chi, tổ, từng gia đình hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của quỹ, cơ chế vay vốn cũng như việc hoàn trả vốn, lãi. Các xã, thị trấn đã tiến hành khảo sát thực trạng công trình vệ sinh hộ gia đình tại địa phương; nhu cầu vay vốn xây dựng công trình vệ sinh của các hộ gia đình hội viên, bình xét các hộ trong diện được vay, thành lập các nhóm vay vốn; đôn đốc hội viên kịp thời hoàn thành hồ sơ vay vốn. Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn cho ban quản lý (BQL) dự án, nhóm trưởng, nhóm phó, phân công cán bộ theo dõi quản lý nguồn vốn vay, tiến độ xây dựng công trình vệ sinh và đôn đốc các hộ gia đình thực hiện đúng cam kết khi tham gia vay vốn. Tính đến nay, BQL Quỹ QVV Hội LHPN tỉnh đã quay vòng giải ngân tại 29 xã với tổng số vốn là 61 tỷ 553 triệu đồng cho 14.405 người vay; dư nợ vốn vay trên 23 tỷ 827 triệu đồng với 6.521 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, BQL Quỹ QVV Hội LHPN tỉnh đã giải ngân tại 28 xã với tổng số tiền là 3 tỷ 744 triệu đồng cho 629 hộ gia đình vay; trong đó, tỷ lệ các hộ gia đình vay vốn đã xây dựng công trình vệ sinh đảm bảo chất lượng đến nay đạt 98%. Ngoài việc giải ngân đúng thời hạn, cán bộ BQL Quỹ QVV các xã cũng tích cực tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ gia đình sau khi giải ngân. Nhờ đó, nguồn quỹ được phân bổ đúng người, sử dụng vốn đúng mục đích và thu hồi vốn, lãi theo đúng quy định, không có nợ chậm trả, nợ quá hạn. Tổng số vốn gốc, lãi, tiết kiệm thu hồi trong 6 tháng đầu năm 2014 trên 4 tỷ 472 triệu đồng; trong đó, thu hồi vốn gốc trên 3 tỷ 302 triệu đồng, thu lãi đạt trên 575 triệu đồng, thu tiết kiệm đạt trên 586 triệu đồng.
Qua 7 năm triển khai Quỹ QVV xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, phần lớn các hộ gia đình tại các địa bàn triển khai đã nâng cao nhận thức, thay đổi những thói quen không hợp vệ sinh; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, nhiều hộ gia đình thấy các hộ nghèo xây dựng được công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn cũng tự đầu tư xây dựng, tạo ra phong trào ở nhiều vùng quê. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp góp phần cải thiện môi trường, điều kiện sống của các hộ gia đình, các hoạt động của Quỹ QVV đã tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người trong việc cải thiện các hành vi vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó sức khoẻ của người dân được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật phát sinh hằng năm./.
Hoàng Dung