Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hằng ngày có khoảng 5.000 lượt người là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ra vào. Bệnh nhân vào bệnh viện thường là người bệnh nặng ở tuyến huyện chuyển đến nên người nhà thường mang theo tiền bạc, đồ dùng. Lợi dụng đặc điểm trên, một số đối tượng hình sự, trộm cắp lưu manh, cờ bạc nghiện hút… thường trà trộn giả làm người nhà người bệnh để móc túi, trộm cắp tài sản... Trước tình hình trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng “Bệnh viện an toàn” theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; thực hiện mỗi khoa, phòng là một đơn vị tự quản về ANTT, kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nhiệm vụ bảo vệ ANTT, an toàn bệnh viện… Ngoài ra, bệnh viện xây dựng lực lượng bảo vệ, các lực lượng làm công tác ANTT, lắp hệ thống camera ở các khu vực trọng điểm, tăng cường hệ thống chiếu sáng xung quanh bệnh viện, đôn đốc cán bộ, nhân viên y tế thường trực tại các khoa đi kiểm tra người bệnh và khu vực khoa mình. Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị công an trên địa bàn xây dựng, phối hợp thực hiện các quy trình: tuần tra canh gác, giải quyết các tình huống... Trong vài năm trở lại đây, tình hình ANTT ở bệnh viện dần đi vào ổn định nền nếp.
|
Để đảm bảo ANTT, Bệnh viện Nhi tỉnh bố trí nhà chờ trước khám cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. |
Hệ thống bệnh viện của tỉnh gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa và 11 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Thực hiện Quyết định số 4858/2013/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng phong trào “Ba an toàn” về ANTT, hằng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào gắn với mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” tại các đơn vị trong ngành; chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là các bệnh viện kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của cơ quan và Tiểu ban chỉ đạo của các đoàn thể quần chúng, các khoa, phòng của bệnh viện. Để đảm bảo ANTT, các bệnh viện tăng cường vận động cán bộ, CCVC, người lao động thực hiện “An toàn địa bàn”; nâng cao cảnh giác, tự giác phòng ngừa, phòng chống tội phạm; xây dựng nội quy an toàn về ANTT của đơn vị; chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm ma tuý, tai, tệ nạn xã hội có hiệu quả, có ý thức bảo vệ môi trường sống và làm việc an toàn. Thực hiện “An toàn về người”, các bệnh viện vận động cán bộ y tế học tập, rèn luyện, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống an toàn về ANTT, chủ động đề ra và thực hành các biện pháp phòng ngừa tội phạm có hiệu quả; tự bảo vệ an toàn tính mạng của cá nhân, người thân và cộng đồng. Thực hiện “An toàn tài sản”, cán bộ, CCVC, người lao động trong các bệnh viện tự giác học tập, thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn tài sản của cá nhân, khoa phòng, đơn vị, gia đình và bảo vệ môi trường; rà soát những quy định về bảo vệ tài sản, PCCN; bổ sung các quy định, quy trình, trang bị và khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý tài sản, không để các loại đối tượng lợi dụng làm thất thoát, chiếm đoạt, huỷ hoại, phá hoại và vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ tài sản. Ngoài ra, các bệnh viện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của địa phương, của ngành về nhiệm vụ ANTT; tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp về ANTT ở cơ sở gắn với xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan vững mạnh. Các bệnh viện cũng quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm, bổ sung nâng cấp các phương tiện làm việc cho lực lượng bảo vệ, phương tiện PCCN, tường rào, kho tàng... của đơn vị; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền, lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị với chính quyền, công an xã, phường, thị trấn nơi đơn vị đứng chân trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ trật tự an toàn cơ quan, đơn vị.
Với những nỗ lực trong công tác đảm bảo ANTT tại bệnh viện, những năm gần đây tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh không xảy ra các hoạt động phá hoại, gây rối ANTT. Một số bệnh viện được đánh giá là đơn vị có phong trào bảo vệ ANTT tốt, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và người nhà khi đến khám, chữa bệnh./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận