Bảo hiểm y tế - Giải pháp bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS

08:09, 30/09/2014

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, lũy tích số bệnh nhân điều trị tại các phòng khám ngoại trú trên địa bàn toàn tỉnh là 1.482 bệnh nhân, trong đó số hiện đang điều trị là 1.138 người. Tuy nhiên, tỷ lệ người nhiễm HIV đang tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT không nhiều. Toàn tỉnh có 8 phòng khám ngoại trú điều trị cho người nhiễm HIV bao gồm 7 phòng khám ngoại trú điều trị cho người lớn đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định và Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên, 1 phòng khám ngoại trú điều trị cho trẻ em đặt tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Tại phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định, nơi đang trực tiếp điều trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân nhiễm HIV, các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, rất ít người nhiễm HIV trình thẻ BHYT hay sử dụng thẻ BHYT khi làm các xét nghiệm định kỳ, lấy thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội hoặc khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú…

Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị Methadone huyện Xuân Trường.
Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị Methadone huyện Xuân Trường.

Bác sĩ Phạm Thị Minh Loan, Trưởng khoa Tư vấn, chăm sóc và điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, nguyên nhân khiến người nhiễm HIV chưa tham gia BHYT hoặc không sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh là do thuốc kháng vi-rút (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện đang được các tổ chức quốc tế tài trợ. Mặt khác, người nhiễm HIV/AIDS chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sự cần thiết của BHYT để được tiếp cận khám và điều trị bệnh nói chung cũng như với HIV/AIDS nói riêng. Một số người nhiễm HIV/AIDS không có khả năng chi trả để mua thẻ BHYT bởi phần lớn họ là những đối tượng nghèo, hoặc họ chưa sẵn sàng sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh vì sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Hiện tại, 100% thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là do Dự án VAAC-US.CDC và Dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ, còn kinh phí xét nghiệm và tiền thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội thì bệnh nhân phải tự trả nếu như không có thẻ BHYT. Mỗi năm, trung bình một người điều trị nhiễm HIV (theo phác đồ bậc 1) tiêu tốn một khoản kinh phí thấp nhất là 3 triệu đồng, chưa kể kinh phí để thực hiện các xét nghiệm định kỳ và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, thời gian tới, nguồn kinh phí tài trợ mua thuốc ARV từ Dự án Quỹ Toàn cầu đến hết năm 2015 là chấm dứt, nguồn kinh phí từ Dự án VAAC-US.CDC cũng sẽ kết thúc khi hết năm 2017. Như vậy, nếu không có nguồn kinh phí thay thế, nhiều người nhiễm HIV có thể sẽ không được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị sẽ dẫn đến kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Đơn cử như phác đồ điều trị bậc 2 cho bệnh nhân nhiễm HIV là khoảng 25 triệu đồng/người/năm. Do vậy, việc chi trả các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV thông qua BHYT là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, thực trạng chi trả BHYT đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở điều trị HIV/AIDS còn thiếu hoặc lồng ghép với hệ thống y tế và chưa có tư cách pháp lý rõ ràng để đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm. Các cơ sở điều trị tại các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến tỉnh, thành phố không có chức năng khám, chữa bệnh, không đủ điều kiện ký kết hợp đồng; cơ sở điều trị tại các Trung tâm y tế một chức năng không ký hợp đồng với bảo hiểm do chỉ có chức năng dự phòng; cơ sở điều trị hai chức năng thì cần được tổ chức và sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện chi trả của bảo hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thông tin điều trị HIV/AIDS cũng còn nhiều bất cập như: Cơ sở điều trị không kết nối thông tin với cơ sở y tế trực thuộc; thiếu những thông tin về BHYT, phân nhóm đối tượng; không có sự kết nối giữa các cơ sở điều trị HIV/AIDS, dẫn đến việc khó quản lý sự di chuyển của người bệnh...

Hiện Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH sẽ đưa dần các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT. Do vậy BHYT sẽ là một trong các giải pháp tài chính bền vững bảo đảm cho người nhiễm HIV/AIDS tránh được nguy cơ nghèo đói do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh khác. Bệnh nhân là người nhiễm HIV có thẻ BHYT, khi khám, chữa bệnh được BHYT chi trả cho các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác, đồng thời được chi trả cho các dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Hiện tại Bộ Y tế đã ban hành dự thảo Thông tư Hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và đang thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố trên cả nước./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com