Tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh ta dài 41,5km chạy qua các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Thành phố Nam Định với mật độ chuyến dày đặc, qua các vùng dân cư đông đúc. Mặt khác, tuyến đường sắt chạy song song, liền kề với các Quốc lộ 21, 10 nên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung và ATGT đường sắt nói riêng. Hiện nay, trên toàn tuyến có tới 217 đường ngang dân sinh không hợp pháp, là những vị trí thường xảy ra các vụ TNGT đường sắt.
Nhân viên Cty Đường sắt Hà Ninh làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT khi tàu chạy qua đường ngang. |
Để bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, thời gian qua, Cty Quản lý đường sắt Hà Ninh đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các trường học có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Để ngăn chặn tình trạng tự ý mở đường ngang qua đường sắt hoặc người dân tự do đi qua đường sắt, ngành đường sắt tập trung đầu tư xây dựng hàng rào cách ly, làm đường gom, hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đầu tư hơn 10km, gần 24km còn lại do Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 6 đường gom tại các xã Lộc Hòa, Lộc An (TP Nam Định), Tân Thành (Vụ Bản), Yên Ninh, Yên Tiến (Ý Yên) nhằm giảm bớt 121 đường ngang dân sinh, toàn tuyến chỉ còn 95 đường ngang dân sinh. Tuy nhiên do thiếu kinh phí, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên một số lý trình đang thi công dang dở, nhiều lý trình chưa triển khai được, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thì việc bố trí vốn cho các công trình xây dựng đường gom và hàng rào cách ly đường gom đã bị dừng. Ngành đường sắt đã lập tờ trình Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai dự án, hiện nay đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng và Cty Quản lý đường sắt Hà Ninh còn đặc biệt quan tâm kiểm tra, rà soát tất cả các đường ngang hợp pháp theo quy định, kiến nghị để khắc phục, bổ sung những tồn tại như: bổ sung các biển báo đường bộ bị hỏng, mất; bổ sung vạch dừng, gờ giảm tốc, khắc phục lồi lõm của mặt đường bộ trong phạm vi đường ngang; bổ sung các cơ cấu đèn tín hiệu trên đường bộ phục vụ các đường gom; phát quang cây xanh giải phóng tầm nhìn tại các vị trí đường ngang; tổ chức kiểm tra các đường dân sinh có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn, có nguy cơ xảy ra TNGT để cắm biển cảnh báo hoặc kiến nghị tổ chức người cảnh giới theo Nghị quyết số 88 của Chính phủ và Quy chế phối hợp số 26/QCPH-BGTVT-UBND ngày 21-6-2013 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó, Cty Quản lý đường sắt Hà Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan như: Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam, Công an tỉnh và các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức hàng chục lượt kiểm tra, giải quyết các tồn tại về vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Trong đó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an huyện Ý Yên đã xử lý toàn bộ vi phạm gồm biển quảng cáo, nguyên vật liệu lắp đặt và tập kết trên dải đất là phạm vi hành lang chồng lấn của Quốc lộ 10 và đường sắt, bao gồm: lập 80 biên bản vi phạm, cưỡng chế giải tỏa 2 nhà tạm, 1 thùng tôn 10m3, 3 thùng phi lớn, 2 điểm tập kết vật liệu xây dựng, 111m3 gỗ tròn, 42 biển quảng cáo các loại, giải tỏa 31 tấm lưới sắt, 7 tấm đan bê tông, 2 tấm gỗ lắp đặt trên các đường dân sinh, ngoài ra còn hàng chục biển quảng cáo di động được các hộ dân tự giác di dời sau khi được tuyên truyền, vận động. Tất cả các trường hợp lập biên bản vi phạm đều ký cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ.
Để nâng cao hiệu quả bảo đảm ATGT đường sắt, Cty Quản lý đường sắt Hà Ninh tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng 6 công trình đường gom và hàng rào đường gom đang đầu tư dang dở ngay khi có nguồn kinh phí đầu tư mới. Các địa phương tiếp tục bố trí người cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với các đường dân sinh có lưu lượng người, xe qua lại lớn; phối hợp rà soát các đường dân sinh để thu hẹp lối đi và cắm biển hạn chế phương tiện để đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Đặc biệt để triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: tiếp tục xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào quốc lộ, đường ngang đường sắt, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT đường bộ, đường sắt. Để đạt mục tiêu trên, từ nay đến trước ngày 30-6-2015, sẽ triển khai cắm đầy đủ mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ; tiến hành rà soát phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; cập nhật để thống kê, phân loại các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ của hệ thống quốc lộ; xây dựng kế hoạch, dự toán bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; phần đất bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ. Đến hết năm 2017, thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT của các tuyến quốc lộ từ cấp I đến cấp III, khu vực các nút giao, vị trí "điểm đen", vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở. Từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục triển khai cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ, thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT; từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản trên đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở trên các tuyến quốc lộ còn lại. Bàn giao phần đất của đường bộ cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ; phần đất hành lang an toàn đường bộ cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ. Tiếp tục triển khai hình thức xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đối với đường sắt, từ nay đến năm 2017, tổ chức tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ và chấp hành các quy định của pháp luật về đường sắt. Tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép; tổ chức cảnh giới bảo đảm ATGT tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đường sắt bước 1 (theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19-1-2012 của Chính phủ). Bàn giao mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt và tổ chức quản lý. Xây dựng, hệ thống đường gom và hàng rào cách ly để đóng toàn bộ các lối đi dân sinh mở trái phép trên tuyến đường sắt quốc gia. Xây dựng các đường ngang; nâng cấp, cải tạo các đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm các quy định về đường ngang do tồn tại lịch sử (cải tạo giảm độ dốc dọc, giải tỏa tầm nhìn, bổ sung tín hiệu, thay đổi hình thức phòng vệ...). Từ năm 2018 đến năm 2020, thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đường sắt bước 2 (theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19-1-2012 của Chính phủ). Xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý