Qua chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình năm 2014

07:08, 07/08/2014

Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ năm 2014 được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại những địa bàn có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và còn nhiều khó khăn trong công tác dân số, trong đó có 28 xã thuộc 7 huyện, thành phố được đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Mục tiêu chiến dịch toàn tỉnh phấn đấu đạt 65% chỉ tiêu kế hoạch năm về dịch vụ KHHGĐ. Để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tới từng đơn vị; chủ động đề xuất với tỉnh cung cấp kịp thời các phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu cho chiến dịch. Công tác tuyên truyền cổ động tại cộng đồng được đẩy mạnh nhằm chuyển tải những thông điệp về chiến dịch và các thông điệp về công tác dân số - KHHGĐ tới các nhóm đối tượng theo nguyên tắc “tuyên truyền liên tục, vận động kiên trì”. Tại các xã, phường triển khai chiến dịch đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động: tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, tuyên truyền cổ động trực quan bằng pa nô, khẩu hiệu, áp phích, nói chuyện chuyên đề về CSSKSS-KHHGĐ; sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chiếu phim video; cung cấp các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, sách lật đến người dân. Bên cạnh đó, các xã, phường triển khai chiến dịch đã khảo sát, tổ chức cho đối tượng đăng ký nhu cầu thực hiện dịch vụ kỹ thuật CSSKSS-KHHGĐ; xây dựng kế hoạch và thông báo trước thời gian, địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ đến các đội sản xuất, thôn, xóm. Việc cung ứng và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật CSSKSS-KHHGĐ được chú trọng. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đảm bảo đầy đủ các phương tiện tránh thai, thuốc điều trị, kinh phí hỗ trợ tổ chức chiến dịch cho cơ sở theo định mức của chương trình mục tiêu quốc gia. Ngành Y tế, trực tiếp là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh, Khoa Sức khỏe sinh sản của Trung tâm y tế các huyện, thành phố; khoa sản của bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường đã huy động tối đa nguồn lực về con người, trang thiết bị, địa điểm để thực hiện dịch vụ KHHGĐ, khám, điều trị các bệnh phụ khoa, cấp thuốc miễn phí và tư vấn cho chị em về CSSKSS-KHHGĐ. Công tác giám sát, thống kê báo cáo tiến độ được tăng cường giúp cho việc chỉ đạo triển khai chiến dịch đồng bộ, kịp thời. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trong chiến dịch ở 100% số huyện, thành phố và 50% số xã triển khai chiến dịch. Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát công tác chuẩn bị tại 100% số xã triển khai chiến dịch. Cán bộ được cử đi giám sát đều được tập huấn nội dung, kỹ năng giám sát bao gồm tất cả các khâu trong quá trình thực hiện chiến dịch. Bên cạnh việc đầu tư một phần kinh phí và thuốc điều trị phụ khoa cho các xã, phường còn khó khăn từ chương trình mục tiêu quốc gia, chiến dịch đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ làm công tác dân số. Nhiều địa phương đã quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí để triển khai chiến dịch và huy động các nguồn lực nhằm xã hội hóa công tác dân số - KHHGĐ. Tổng kinh phí đầu tư để thực hiện chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh là 627 triệu đồng, trong đó ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia là 375 triệu đồng, ngân sách bổ sung của địa phương là 252 triệu đồng. Bằng việc triển khai đồng bộ 5 biện pháp: tổ chức chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thực hiện các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, tổ chức giám sát, thống kê báo cáo tiến độ, chiến dịch đã cơ bản đạt được mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể trên cả 2 nội dung lồng ghép: tuyên truyền, vận động và thực hiện gói dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Các biện pháp tránh thai hiện đại như sử dụng bao cao su, thuốc uống tránh thai đạt tỷ lệ cao. Chiến dịch cũng đã chú trọng tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ biết cách tự chăm sóc sức khỏe và lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Toàn chiến dịch, có 40.521 lượt phụ nữ được khám; số phụ nữ được phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản là 17.944 người và số lượt phụ nữ được điều trị là 17.758 người.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ là hoạt động trọng điểm của công tác dân số - KHHGĐ trong năm 2014, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu duy trì mức giảm sinh của năm và những năm tiếp theo. Vì vậy, chiến dịch đã được phát động trên phạm vi toàn tỉnh và huy động được các cấp, các ngành và toàn xã hội vào cuộc. Mặc dù công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, vận động, hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ trong chiến dịch ở một số địa phương còn có những hạn chế nhất định, song kết quả chung của chiến dịch đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về CSSKSS-KHHGĐ và góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2014./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com