Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm

08:08, 01/08/2014

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7. Với 25/52 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật BHYT năm 2008, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung tạo ra bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

Quy định bắt buộc tham gia BHYT và thực hiện BHYT theo hộ gia đình là một trong những điểm mới nhằm tăng tính tuân thủ chính sách, pháp luật về BHYT của mọi người dân. Luật BHYT trước đây quy định “mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT” nên chỉ những người có nguy cơ bệnh tật cao hoặc đã mắc các bệnh hiểm nghèo, phải điều trị thường xuyên với chi phí lớn mới tham gia BHYT; còn những người khỏe mạnh, có thu nhập cao lại không tham gia. Ngay trong một gia đình cũng có tình trạng chỉ tham gia BHYT cho người ốm. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa nhân văn mang tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT mà còn tăng nguy cơ vỡ quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT một cách bền vững. Bên cạnh đó, quy định đối tượng công an, quân đội tham gia BHYT sẽ nâng cao hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho quân nhân khi họ được cấp thẻ BHYT, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế thuận tiện với nơi đóng quân; chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật tới bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh dân y; chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng mà không phải tự chi trả ứng trước; tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế tiên tiến. Luật cũng bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT như: Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Đặc biệt, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung còn quan tâm hơn đến người tham gia, giảm bớt khó khăn cho một số đối tượng đi khám, chữa bệnh khi mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT với những quy định cụ thể như: cấp BHYT, bỏ quy định đồng chi trả 5% đối với người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn; đối tượng bảo trợ xã hội. Bỏ quy định đồng chi trả 20% đối với thân nhân liệt sĩ là cha/mẹ đẻ, vợ/chồng/con liệt sĩ, người nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống 5% đối với thân nhân người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT đối với các trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt của trẻ em dưới 6 tuổi; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, đánh nhau. Quỹ BHYT còn thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ khám, chữa bệnh không đúng tuyến và các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, thuốc ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục). Quy định này sẽ giúp người bệnh là những đối tượng nêu trên chỉ phải cùng chi trả tối đa không quá 6,9 triệu đồng/năm; khuyến khích mọi người tích cực tham gia BHYT liên tục, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa những người tham gia BHYT nhiều năm với những người mới tham gia BHYT. Đối với trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, mức hưởng như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, từ ngày 1-1-2021, nâng mức hưởng lên 100%; 70% chi phí bao gồm cả nội và ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện, từ ngày 1-1-2016, nâng mức hưởng lên 100%. Từ ngày 1-1-2016, người bệnh còn được hưởng 100% khi khám, chữa bệnh tại xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh… Bên cạnh việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh, quy định mới về việc mở thông tuyến khám được xem là hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Theo đó, mở thông tuyến huyện trên toàn quốc khi đi khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú; thông tuyến tỉnh, Trung ương trên toàn quốc khi khám, chữa bệnh nội trú đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số, người nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Từ ngày 1-1-2016, mở thông tuyến khám, chữa bệnh giữa tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh khi khám, chữa bệnh nội, ngoại trú. Từ 1-1-2021, mở thông tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước khi khám, chữa bệnh nội trú. Việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng sẽ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người tham gia được hưởng lợi từ chính sách BHYT mà vẫn phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, ngân sách và mức đóng BHYT.

Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được xây dựng nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHYT. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 với những điểm mới chắc chắn sẽ khắc phục được những hạn chế của Luật BHYT hiện hành, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com