Hội Nông dân Trực Ninh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

07:08, 21/08/2014

Theo chân đồng chí Vũ Minh Đức, Chủ tịch HND xã Trung Đông, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Trung Trực, hội viên nông dân xóm 2, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh) là một điển hình vượt khó vươn lên làm giàu. Ở vùng quê “đất chật, người đông”, cả gia đình 5 người nhà ông Trực chỉ trông chờ vào 3,5 sào ruộng. Vì vậy, ông Trực luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, được HND xã hỗ trợ làm thủ tục, gia đình ông được vay 250 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT, cộng với vốn tích lũy của gia đình, ông đầu tư mua 1 máy cày, làm dịch vụ nông nghiệp, bình quân mỗi vụ ông nhận khoán trên 100ha ruộng. Nhờ hướng đầu tư hiệu quả, năm 2010, từ số tiền tích luỹ được, ông mua thêm 1 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu của nông dân trong vùng. Với 2 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, trừ chi phí, mỗi vụ, ông thu 200-250 triệu đồng. Hay hộ ông Nguyễn Văn Khải, hội viên nông dân xã Trực Cường được HND xã hỗ trợ làm thủ tục cho đấu thầu 5,5ha đất bãi bồi ven sông Ninh Cơ để nuôi cá giống và cá thương phẩm, sản lượng đạt trên 100 tấn/năm, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Ông Vũ Ngọc Nhã, chi hội 8, Thị trấn Cổ Lễ chuyển đổi 1,5 mẫu ruộng trũng năng suất thấp sang sản xuất theo mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá; cải tạo 4 sào vườn tạp sang trồng cây cảnh. Mỗi năm gia đình ông đạt thu nhập 120 triệu đồng trở lên.

Nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Lan, chi hội Nghĩa Sơn, HND Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có điều kiện đầu tư chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Lan, chi hội Nghĩa Sơn, HND Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có điều kiện đầu tư chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong những năm qua, các cấp HND huyện Trực Ninh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo đó, HND các cấp trong huyện đã triển khai thực hiện chương trình phối hợp liên kết “4 nhà” để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhận uỷ thác, tín chấp vay vốn từ các ngân hàng; cung cấp các dịch vụ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi với phương thức chậm trả cho nông dân. Để khuyến khích, động viên nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi, HND huyện phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình ủ, gieo mạ xuân trên nền cứng, gieo sạ, chăm sóc bảo vệ lúa, trồng cây vụ đông, chăn nuôi, kỹ thuật tiêm phòng và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cho hội viên nông dân. Trong 6 tháng đầu năm 2014, HND các cấp trong huyện đã phối hợp tổ chức 80 buổi chuyển giao KHKT cho trên 10.700 lượt hội viên; phối hợp với Doanh nghiệp Cao Cường (xã Trực Tuấn) tổ chức mở 2 lớp dạy nghề dệt và 1 lớp may công nghiệp cho 105 hội viên 2 xã Trực Tuấn và Việt Hùng; phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề mây tre, đan bẹ chuối, cói xuất khẩu cho 200 lao động và giải quyết cho hàng nghìn lao động tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Ngoài ra, HND huyện phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản cho 280 hội viên nông dân các xã Việt Hùng, Trung Đông, Trực Cường, Trực Nội, Trực Mỹ, Trực Hưng, Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 70 học viên tại 2 xã Trực Cường, Trực Thái và 2 lớp may công nghiệp cho 55 học viên tại xã Trực Phú; phối hợp với Trạm Thú y tuyên truyền tới các chủ gia trại, trang trại tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo sự chỉ đạo của tỉnh.

Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, HND huyện còn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện, Ngân hàng NN và PTNT huyện tổ chức giải ngân vốn nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đến hết tháng 6-2014, HND huyện đang quản lý tổng số 94 tỷ 820 triệu đồng vốn từ Ngân hàng CSXH huyện cho 5.468 hộ vay; trong đó vốn cho vay hộ nghèo: 23 tỷ 608 triệu đồng; vốn vay “Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” 17 tỷ 768 triệu đồng. Phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT huyện tạo điều kiện cho 5.571 hộ vay trên 266 tỷ đồng, giúp các hộ nông dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, HND huyện còn tổ chức vận động HND các xã, thị trấn xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền đạt trên 1 tỷ 489 triệu đồng, giải quyết cho 205 hộ có vốn đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn phối hợp với Ban Nông nghiệp xã vận động nông dân xây dựng 27 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trồng lúa với diện tích 1.075ha, 1 CĐML trồng lạc xuân diện tích 35ha tại xã Trực Chính, 4 CĐML trồng cây vụ đông; duy trì 10 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, HND các xã đã xây dựng 9 mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản ở 9 xã, gồm: Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Khang, Trực Thắng, Trực Hùng, Trực Thanh, Phương Định, Trực Nội và Trực Phú.

Với những hình thức hỗ trợ đa dạng, phong phú, phong trào thi đua “sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng NTM” đã được hội viên nông dân trong huyện hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện có 29.427 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đã có 18.279 hộ đạt, bằng 41,34% so với tổng số hộ nông dân. Trong đó, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương có 259 hộ; cấp tỉnh có 921 hộ; cấp huyện có 5.521 hộ và cấp cơ sở có 11.578 hộ. Nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, HND các cấp trong huyện tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân và vận động hội viên nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, quản lý hoạt động quỹ đạt hiệu quả. Tổ chức nhân rộng mô hình cánh đồng đạt giá trị thu nhập trên 120 triệu đồng/ha, hộ đạt thu nhập 240 triệu đồng/năm trở lên./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com