Trong những năm qua, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ CNVCLĐ nghèo, khó khăn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ vốn cho những CNVCLĐ có thu nhập thấp, có chồng, con trong độ tuổi lao động thiếu hoặc mất việc làm được vay từ 5 đến 20 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi. Để nguồn vốn đến được đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện đúng quy định về hướng dẫn lập dự án, khảo sát đối tượng và mục đích sử dụng vốn, trong đó ưu tiên cho đối tượng CNVCLĐ thiếu việc làm, thu nhập thấp; lập hồ sơ và giải ngân, thu hồi vốn đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và bảo toàn, thu hồi vốn, lãi đúng quy định. Nhờ đó, nguồn vốn quỹ đã được các cấp công đoàn giải ngân cho vay đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho CNVCLĐ, từng bước giúp các gia đình CNVCLĐ vươn lên ổn định cuộc sống.
Mô hình tổ may gia đình của chị Đỗ Thị Na, công nhân Cty CP 27-7 (Hải Hậu). |
Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang quản lý 2 tỷ 499 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho hàng chục CNVCLĐ vay. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, LĐLĐ tỉnh đã cho 45 hộ vay tổng số tiền là 466 triệu đồng. Tiêu biểu như LĐLĐ huyện Nghĩa Hưng đang quản lý hơn 200 triệu đồng cho 23 cán bộ, CNVCLĐ vay phát triển kinh tế gia đình. Mức vay đối với mỗi cá nhân từ 10 đến 15 triệu đồng. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được phân về cơ sở theo các dự án. Cụ thể, công đoàn xã Nghĩa Hồng có 1 dự án với tổng số tiền là 85 triệu đồng cho 8 người vay, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hưng có 1 dự án với tổng số vốn 54 triệu đồng, công đoàn xã Hoàng Nam và công đoàn Khối cơ quan huyện, mỗi công đoàn có 1 dự án với số tiền 50 triệu đồng giúp 5 cán bộ, CNVCLĐ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Công đoàn Tổng Cty CP Dệt may Nam Định hiện đang duy trì nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với tổng số vốn 340 triệu đồng cho 50 người vay, với mức vay từ 5 đến 10 triệu đồng/người… Các mô hình phát triển kinh tế của cán bộ, CNVCLĐ chủ yếu là mở cơ sở sản xuất may, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặc dù thu nhập từ các mô hình chưa nhiều song cũng đã góp phần cải thiện cuộc sống của một bộ phận CNVCLĐ. Chị Đỗ Thị Na, Công đoàn Cty CP 27-7, LĐLĐ huyện Hải Hậu có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Được LĐLĐ huyện tạo điều kiện giúp đỡ cho vay vốn từ vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chị đã cùng với 2 chị khác đầu tư mua 11 máy may và thành lập tổ may tại nhà nhận may gia công các sản phẩm cho Cty. Tổ may đi vào hoạt động đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 chị em khác. Chị Đỗ Thị Na chia sẻ: “Ngoài thời gian làm theo quy định của Cty, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chúng tôi nhận hàng về nhà làm thêm để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, với mô hình tổ may, mỗi chị em tăng thu nhập thêm 1 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện để chăm lo cho gia đình và con cái có điều kiện để học hành đầy đủ”.
Từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kết hợp với nguồn vốn tự có, nhiều hộ gia đình CNVCLĐ đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình phát triển hiệu quả, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ trong tỉnh. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh và thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng cường các hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn. Nhờ đó, CNVCLĐ thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn, coi tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung