Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tích cực xây dựng các mô hình dịch vụ gia đình nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em; đồng thời hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ gia đình, góp phần giảm bớt gánh nặng việc nhà, tạo điều kiện để phụ nữ dành nhiều thời gian vào các hoạt động khác như sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác.
Tháng 4-2013, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Nhóm trẻ gia đình” tại xóm 1, Tân An, xã Lộc Hòa (TP Nam Định), nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Nam Định, “Nhóm trẻ gia đình” ban đầu tạo việc làm cho 5 lao động nữ: 2 giáo viên, 1 bác sĩ theo dõi sức khỏe hằng ngày cho các cháu và 2 nhân viên nhà bếp kiêm tạp vụ. Để mô hình “Nhóm trẻ gia đình” hoạt động hiệu quả, ban quản lý nhóm tạo điều kiện để các cô đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới của Bộ GD và ĐT. Với diện tích rộng 500m2 với 3 phòng học, phòng ăn, phòng bếp, phòng ngủ có sân chơi ngoài trời. Đặc biệt, các phòng học đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát để các bậc phụ huynh có điều kiện theo dõi các hoạt động từ chương trình học cho đến chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng của trẻ... Từ khi “Nhóm trẻ gia đình” được thành lập đến nay đã trở thành địa điểm tin cậy giúp các bậc phụ huynh yên tâm gửi con. Ban đầu, nhóm tiếp nhận 20 trẻ, đến nay, nhóm đang chăm sóc 50 trẻ, các trẻ được chia theo độ tuổi và chế độ ăn khác nhau, từ đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi, góp phần giảm bớt sự quá tải trong hệ thống giáo dục mầm non của tỉnh, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh thăm và tặng quà cho giáo viên và học sinh “Nhóm trẻ gia đình” nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi. |
Ngoài “Nhóm trẻ gia đình”, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng triển khai dự án “Bảo vệ quyền của người lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam”. Theo đó Hội LHPN tỉnh đã tiến hành khảo sát nhận thức, nhu cầu của người dân và cộng đồng về công việc giúp việc gia đình; đào tạo thử nghiệm cho lao động đã và đang chuẩn bị đi làm giúp việc gia đình tại xã Tân Thành (Vụ Bản). Năm 2013, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp thành lập 2 CLB “Khi mẹ vắng nhà” ở 2 xã Tân Thành và Thành Lợi (Vụ Bản); tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến lao động giúp việc gia đình; đào tạo thử nghiệm bộ tài liệu cho lao động giúp việc gia đình... Sau một thời gian triển khai, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và bản thân người lao động giúp việc gia đình trong việc bảo vệ quyền lợi của người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động; hỗ trợ lao động giúp việc thông qua việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc con cái, quản lý dọn dẹp nhà cửa... khi người vợ, người mẹ đi làm giúp việc gia đình xa. Dự kiến, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh thành lập trung tâm chuyên đào tạo kỹ năng cho những người có mong muốn đi giúp việc gia đình, giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt công việc giúp việc gia đình. Đồng thời, giới thiệu lao động giúp việc gia đình với các gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc, hoặc cần người dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để giúp chị em có việc làm, tăng thu nhập. Tại Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) tổ dịch vụ nấu ăn, phục vụ ăn uống được thành lập với hơn 10 thành viên. Họ là hội viên phụ nữ có kinh nghiệm nấu ăn, biết tính toán cân đối hợp lý, tiết kiệm... Từ khi thành lập đến nay, tổ nhận được nhiều hợp đồng nấu cỗ phục vụ các tiệc cưới, ăn hỏi, đám giỗ, tiệc sinh nhật…, nhờ đó, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ.
Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình dịch vụ gia đình, xây dựng những mô hình dịch vụ mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên phụ nữ, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện mục tiêu “bình đẳng giới”./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung