Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014, tỉnh ta có hai học sinh đỗ thủ khoa vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Thủy lợi Hà Nội. Cả hai thủ khoa đều là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực, các em đã vươn lên trong học tập và đạt được những thành tích đáng tự hào.
Thủ khoa Vũ Thị Thu Thủy: Học tập cần phải có đam mê
Đó là tâm sự về bí quyết học giỏi của Vũ Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố là thợ cơ khí, mẹ là công nhân Cty Dệt Nam Định, Thủy luôn phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong học tập. Từ những nỗ lực không ngừng, năm học này Thủy đã xuất sắc đỗ thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm 26,5 khi dự thi ngành Quan hệ công chúng; trong đó môn Địa lý đạt 8,5 điểm, môn Lịch sử 9 điểm và môn Ngữ Văn 9 điểm. Có một tuổi thơ không được êm đềm như bao bạn bè cùng trang lứa, bố em vì điều kiện cuộc sống phải xa gia đình, chứng kiến tuổi xuân sắc của mẹ với gánh nặng cơm áo nuôi 2 chị em ăn học, Thủy càng quyết tâm học giỏi. Trong 12 năm học phổ thông, Thuỷ đều là học sinh giỏi toàn diện với nhiều bằng khen, giấy khen của các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh như: Giải Nhì cấp thành phố và giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Văn lớp 9; lớp 11 đoạt giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh; lớp 12 giải Nhất môn Ngữ Văn, giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2013, phát động phong trào thi đua năm 2014 của tỉnh, Thủy là đại diện duy nhất của học sinh trong tỉnh được tham gia báo cáo điển hình. Em cũng vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng học bổng đột xuất ngay tại buổi lễ tổng kết. Với em, đó là nguồn động lực để em tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và học tập. Là học sinh duy nhất của lớp dự thi đại học ở khối C, Thủy tâm sự, học tập cần phải có đam mê. Riêng với môn Lịch sử, em nghĩ học sử không có nghĩa là phải thuộc từng câu, từ mà cần nhớ và hiểu các mốc quan trọng của các sự kiện và rút ra bài học. Bên cạnh đó, để học tốt môn Lịch sử cần phải có kiến thức về xã hội, tìm hiểu kiến thức qua sách vở, báo chí và cần có mối liên kết giữa các sự kiện với nhau. Khi gần đến thời gian đăng ký dự thi đại học, Thủy có dự định thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội theo mong ước của bố mẹ, nhất là mẹ em luôn mơ ước em sẽ là một cô giáo. Nhưng đến cận ngày thi thì em lại chuyển sang chọn thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền để được theo đuổi ước mơ của mình. Mặc dù, biết mẹ không được vui trọn vẹn nhưng Thủy thầm hứa sẽ không làm mẹ thất vọng vì quyết định của mình. Hiện tại, trong thời gian chờ nhập học em cũng tìm một công việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ khi chuẩn bị bước vào giảng đường đại học.
Ngô Văn Tùng: Thủ khoa giỏi nghề thủ công mây tre đan xuất khẩu
Những ngày này, ngôi nhà ông Ngô Văn Chi ở thôn Hưng Nhân, xã Yên Tiến (Ý Yên), bố của Ngô Văn Tùng, thủ khoa Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội luôn rộn rã tiếng cười. Dự thi vào Trường Đại học Thuỷ lợi, Tùng đạt 26,5 điểm; trong đó môn Toán 9 điểm, môn Vật lý 8,25 điểm, môn Hóa 9 điểm. Vừa thoăn thoát vót tre đan hàng xuất khẩu, ông Chi vừa hồ hởi: “Việc Tùng đỗ đại học đã làm thỏa nguyện ước mơ của gia đình. Ngày xưa nhà nghèo, bản thân lại bị tật bẩm sinh, không được học nhiều nên lúc nào tôi cũng động viên các con cố gắng học tập”. Nhà chỉ có 4 sào ruộng cùng với đồng lương giáo viên mầm non của mẹ, trong khi đó Tùng có chị gái đang học đại học nên kinh tế gia đình càng khó khăn. Vì vậy, dù sức khỏe yếu nhưng để lo cho 2 con ăn học, bố mẹ Tùng vẫn cố gắng làm thêm để có thêm thu nhập. Không giấu được niềm tự hào về cậu con trai út, mẹ Tùng liên tục nhắc đến những thành tích, những giấy khen mà em đã đạt được trong suốt 12 năm học. Ngoài giờ học Tùng rất chăm chỉ làm việc nhà và phụ giúp bố, mẹ việc đồng áng và làm hàng mây tre đan. Thế nhưng, năm học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học lớp 12, em đoạt giải Ba môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và là 1 trong 5 học sinh xuất sắc của Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) với lực học ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh luôn có điểm tổng kết trên 9,0. Khi biết tin đỗ thủ khoa, Tùng không dám tin đó là sự thật, bởi trước khi đi thi em chỉ mong đạt được mục tiêu đỗ đại học. Hơn nữa, với phần thi môn Hóa, em chưa hài lòng với bài làm của mình. Kết quả thi là niềm vui ngoài sự mong đợi của em. Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Tùng cho biết: “Theo em học tập phải bắt đầu từ sự yêu thích môn học, không nên gò bó và biến việc học tập thành áp lực hay thành sự sắp đặt. Bởi vậy lúc nào ngồi vào bàn học em cũng có cảm giác thoải mái. Ở trường em chú ý nghe thầy, cô giảng bài để nắm chắc kiến thức ngay trên lớp. Mỗi ngày, ngoài việc học ở trường, em thường dành 3-4 tiếng để học buổi tối, trong đó dành thời gian nhất định để hệ thống lại kiến thức đã học, sau đó mới tiến hành làm bài tập”.
Tuy chăm chỉ học hành, nhưng Tùng vẫn dành thời gian để thư giãn với bạn bè. Em cũng là một trong những cầu thủ xuất sắc trong đội bóng đá của trường, của lớp. Với Tùng việc đỗ đại học mới là chạm đến cánh cửa của tương lai. Bởi trong quá trình học đại học nếu không cố gắng, học đi đôi với hành thì sẽ không thể trở thành một kỹ sư giỏi. Chúc cho tân thủ khoa ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn - Đại học Thủy lợi Hà Nội Ngô Văn Tùng tiếp tục giành được những thành tích cao trong học tập và nghề nghiệp sau này./.
Bài và ảnh: Hồng Minh