Để quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn đi vào cuộc sống

07:08, 01/08/2014

Năm 2007, trước tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, đặc biệt là tình trạng nạn nhân bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm (MBH), Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế gia tăng TNGT và chống ùn tắc giao thông đã quy định bắt buộc người tham gia giao thông  bằng mô tô, xe máy phải đội MBH. Bằng các biện pháp đồng bộ từ tuyên truyền, vận động đến xây dựng lộ trình, kế hoạch áp dụng cụ thể ở các địa bàn và tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm đã dần thay đổi thói quen của người dân, tỷ lệ người tự giác đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đã tăng lên. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát, ngăn chặn kịp thời của cơ quan quản lý khiến thị trường MBH dành cho người đi mô tô, xe máy đã xuất hiện các loại mũ “thời trang”, MBH cách điệu (cải tiến thiết kế khoét lỗ, làm vành, lưỡi trai trang trí... dành cho những người sử dụng có tóc dài buộc) mà theo cơ quan chuyên môn thì không những không bảo vệ được người đội mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người đội khi có va đập vì các loại mũ này không có phần xốp hấp thu xung động, thường chỉ có phần vỏ nhựa cứng, dễ vỡ, các mảnh vỡ sắc cạnh. Mũ “thời trang”, MBH cách điệu thường nhẹ, giá rẻ (chỉ bằng nửa, thậm chí 1/3, 1/4 giá mũ chuẩn) và được bán tràn lan trên thị trường, người đội lại không bị xử phạt nên được người tiêu dùng tiếp nhận nhanh chóng. Mới đây nhất, trong các giải pháp chỉ đạo về các biện pháp bảo đảm ATGT, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm việc đội MBH không đạt chuẩn. Tuy nhiên sau đó nảy sinh một loạt các vấn đề liên quan gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi triển khai thực thi quy định. Đối với các loại mũ thời trang chỉ có lớp nhựa mỏng và lớp vải lót thì có thể dễ dàng nhận biết và khẳng định đó là mũ không đạt chuẩn (không có lớp xốp hấp thu xung động, thiếu tem chứng nhận hợp quy CR) căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH ký hiệu QCVN 2:2008/BKHCN của Bộ KH và CN. Tuy nhiên còn có loại mũ cũng có đầy đủ các bộ phận, có tem CR thì để khẳng định và xử lý trong trường hợp là mũ giả, mũ không đạt chuẩn (dù trên mũ có dán đầy đủ các loại tem, nhãn) hết sức phức tạp. Theo đồng chí Đỗ Đức Dương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT nếu nghi ngờ là tem giả hoặc mũ giả, mũ nhái thì phải trưng cầu doanh nghiệp sản xuất cung ứng, phân phối sản phẩm đó về để kiểm tra các giấy tờ, chứng từ chứng nhận theo quy định, hoặc phải trưng cầu cơ quan chức năng về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng giám định các chức năng, công dụng của mũ và kết luận có phải mũ giả, mũ không đạt chuẩn để xử lý. Người tiêu dùng thì thắc mắc, vậy tại sao mũ thời trang, mũ giả, nhái bán tràn lan, công khai trên thị trường cơ quan chức năng không xử lý và “làm sạch” thị trường thì người tiêu dùng sẽ không thể mua loại mũ này để dùng. Cũng theo cơ quan chuyên môn, theo Luật Thương mại việc các cơ sở sản xuất và kinh doanh loại mũ thời trang, MBH cách điệu nếu không đăng ký, quảng cáo là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy thì không vi phạm nên không thể xử lý được, chỉ có thể xử lý nếu hàng hóa vi phạm về thương mại như không có hóa đơn, chứng từ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định về tem nhãn hàng hóa… Nhiều hộ kinh doanh đã lợi dụng “lách” việc kiểm tra của các cơ quan chức năng bằng cách bày các quầy hàng MBH riêng và mũ thời trang riêng, nhưng khi có khách hàng mặc dù hỏi mua MBH người bán vẫn tư vấn giới thiệu bán các loại mũ thời trang đánh vào tâm lý ham rẻ, tiết kiệm của người mua (lợi nhuận khi bán loại mũ này cao hơn nhiều so với bán mũ “xịn”). Qua thực tế các đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh MBH còn có tình trạng khi các lực lượng chức năng đến kiểm tra thì tất cả các loại hàng hóa trưng bày đều bảo đảm các quy định, chỉ sau khi lực lượng chức năng rút đi thì người bán mới tiếp tục trà trộn các loại mũ khác. Sở dĩ như vậy là do các cơ sở kinh doanh thường gắn liền với nhà ở của chủ cửa hàng, kho hàng đồng thời là nhà ở nên lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra các sản phẩm trưng bày công khai mà không thể kiểm tra hàng trong kho (nhà ở của hộ kinh doanh) vì liên quan đến công tác quản lý hành chính thuộc chức năng, thẩm quyền của lực lượng Công an.

Chấn thương sọ não do TNGT kéo theo rất nhiều hệ lụy cho bản thân nạn nhân, gia đình và xã hội. Do vậy việc đội MBH đạt chuẩn, đúng quy cách là một biện pháp hữu hiệu vì chính quyền lợi của người dân, nhất là khi việc sử dụng phương tiện mô tô, xe máy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người quá thường xuyên, số lượng phương tiện gia tăng với cấp số nhân, động cơ dung tích lớn ngày càng nhiều và hệ thống giao thông ngày càng được đầu tư to, đẹp, êm thuận nên tốc độ chạy xe cũng ngày càng nhanh. Quy chuẩn quốc gia về MBH quy định rất rõ ràng và đầy đủ các chi tiết để nhận biết từ các thành phần, bộ phận của mũ đến loại tem CR chuẩn, tuy nhiên đối với người dân thì các quy định này dài dòng, khó mà nhớ hết được để so sánh, đối chiếu khi đi mua hàng. Do vậy, để quy định về đội MBH thực sự đi vào đời sống, đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về việc đội MBH khi đi mô tô, xe máy, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố lợi ích và tác hại của việc đội mũ đạt chuẩn và mũ thời trang, không đúng quy cách, các lực lượng chức năng cần nâng cao trách nhiệm thực thi chức trách, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các bất cập nảy sinh. Phổ biến rộng rãi QCVN 2:2008/BKHCN, đặc biệt tới các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phường, xã hằng ngày trực tiếp quản lý địa bàn để phát hiện đúng, trúng, kịp thời các trường hợp sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh MBH. Lực lượng Công an và QLTT cần tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát sản xuất, kinh doanh, phân phối MBH và các loại mũ thời trang, MBH cách điệu để ngăn chặn chủ cơ sở “lách” luật. Tổ chức các đợt ra quân cao điểm liên tục phát hiện, xử lý nghiêm và nặng các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh MBH, mũ thời trang kết hợp với vận động người dân nâng cao nhận thức, tẩy chay mũ thời trang, không “tiếp tay” làm giàu cho người kinh doanh loại mũ không an toàn cho người đội, để loại sản phẩm này không còn chỗ đứng trên thị trường./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com