Về xóm 3, xã Hải Phương (Hải Hậu) chúng tôi được chứng kiến đám cưới người con trai út của gia đình ông Phạm Vũ Canh. Thực hiện hương ước mới của xóm, gia đình ông Canh tổ chức lễ cưới tại nhà văn hóa xóm nên gia đình không phải thuê loa, đài, phông, rạp. Còn tại nhà riêng, gia đình chỉ tổ chức ăn uống trong phạm vi hẹp, chỉ mời anh em trong họ và một số người trong xóm. Nguyên liệu làm các món ăn trong cỗ cưới chủ yếu được gia đình tự tăng gia, sản xuất nên gia đình tiết kiệm được chi phí. Ông Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã Hải Phương cho biết: Sau khi triển khai thực hiện hương ước mới, xã chọn xóm 3 làm điểm thực hiện việc tổ chức các đám cưới theo nếp sống văn minh (NSVM), dần xóa bỏ các hủ tục tổ chức đám cưới linh đình, phô trương. Trong đó, cán bộ, công chức trong xã luôn gương mẫu thực hiện quy ước NSVM khi tổ chức đám cưới cho con cháu. Các dịch vụ trong đám cưới trọn gói, đám cưới được tổ chức tại địa điểm nhà văn hóa xóm được đông đảo nhân dân hưởng ứng vì tiện lợi, chi phí thấp.
Gia đình ông Trần Văn Thọ, tổ 29, khu dân cư đường Trần Quang Khải, phường Năng Tĩnh (TP Nam Định) là gia đình văn hóa tiêu biểu, thực hiện tốt NSVM. |
Xã Hải Phương là một trong số nhiều địa phương trong tỉnh có chuyển biến rõ nét trong thực hiện NSVM trong việc cưới. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, tỉnh ta có những đặc điểm về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng tạo cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân phong phú và có tác động lớn đến kết quả thực hiện xây dựng NSVM, gia đình văn hóa. Những năm qua, nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang của Trung ương, của tỉnh được Sở VH, TT và DL triển khai đến cơ sở qua các hình thức tuyên truyền, vận động. Hiện nay, việc tổ chức lễ cưới trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tiêu biểu như ở các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Thực hiện các quy ước NSVM, những biểu hiện tiêu cực trong việc cưới ngày càng giảm dần, hôn nhân tự nguyện tiến bộ được thực hiện nghiêm túc, không có hiện tượng ép cưới, ép gả. Quy định của giáo họ trong các tôn giáo không còn ảnh hưởng nặng nề tới việc kết hôn và thực hiện xây dựng gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Lễ đăng ký kết hôn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh được tổ chức trang trọng đúng luật, nam nữ đăng ký kết hôn được tặng tài liệu về KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu biểu như ở một số xã của các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường… Tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) và xã Giao Nhân (Giao Thủy) nhiều năm qua đã tổ chức trang trọng việc cấp giấy đăng ký kết hôn cho nhiều cặp vợ chồng sắp kết hôn vào một ngày nhất định trong tuần, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền và các ngành, đoàn thể trong xã cùng hai bên gia đình. Nhiều địa phương còn quan tâm hỗ trợ gia đình trong việc tổ chức lễ cưới như tăng âm, loa đài, trang trí, đội văn nghệ, người điều hành hôn lễ. Nhiều đám cưới được tổ chức theo hình thức tiệc trà, không hút thuốc lá. Trên 80% các đám cưới ở huyện Hải Hậu không mời thuốc lá trong đám cưới. Một số nét đẹp văn hóa mới được hình thành như trước, trong hoặc sau đám cưới cô dâu, chú rể đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương hoặc trồng cây lưu niệm. Đối với việc tang, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện NSVM. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan đã được khắc phục. Các hủ tục trong tang lễ hầu như không còn. Năm 2013, toàn tỉnh có 10.261 đám tang, trong đó có 9.895 đám tang thực hiện theo NSVM, đạt 96,4%. Những địa phương thực hiện tốt NSVM trong việc tang là các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng… Tại huyện Hải Hậu, Ban văn hóa các xã, thị trấn phối hợp với thôn, xóm và gia đình thống nhất với đội nhạc tang về nội dung, thời gian cử hành nhạc, tránh ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng... Tại xã Nam Hải (Nam Trực) từ năm 2007, xã đã ban hành quy chế quản lý trong việc tổ chức tang lễ, cải táng người qua đời ở địa phương. Ở huyện Giao Thủy, nhiều xã, thị trấn đã xây dựng được quy chế NSVM để phổ biến trong các khu dân cư và trưng cầu ý kiến nhân dân, đề nghị HĐND xã, thị trấn ra nghị quyết phê chuẩn để tổ chức thực hiện. Công tác quản trang và quy hoạch mộ theo tiêu chí xây dựng NTM từng bước có chuyển biến tích cực.
Ở nhiều xã, nghĩa trang đã có khu hung táng và cát táng riêng, quy hoạch theo hàng, đúng kích thước, có người quản trang.
Những chuyển biến mới trong việc cưới, việc tang ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua khẳng định Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về “Quy định thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội” đã đi vào cuộc sống. Thực hiện Quyết định số 17 của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện trong các tầng lớp nhân dân.
Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố đã tích cực tổ chức hướng dẫn các xã xây dựng quy định mẫu về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, xây cất mộ, quản lý nghĩa trang phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, bảo đảm các đám cưới, đám tang vừa văn minh, lịch sự, vừa phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc./.
Bài và ảnh: Trần Viết Dư