Cuộc sống mới ở vùng quê cách mạng

08:08, 19/08/2014

Trong những ngày mùa thu Tháng Tám, chúng tôi về Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) - một vùng đất văn hiến và cách mạng. Là cửa ngõ phía nam tỉnh, nằm dọc Quốc lộ 21 và sông Hồng, Thị trấn Cổ Lễ có địa thế “cận lộ, cận giang” thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của tỉnh, của huyện. Phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân thị trấn bằng sự năng động, sáng tạo đã xây dựng một đô thị sầm uất, phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Giở lại trang sử hào hùng của quê hương, đồng chí Dương Minh Khôi, Bí thư Đảng bộ thị trấn tự hào: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thị trấn Cổ Lễ là địa bàn của ba xã: Cổ Lễ, Vọng Doanh và Mạt Lăng. Năm 1952 đổi tên là xã Trực Nghĩa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân dân trong xã kiên cường đấu tranh “bám đất, bám làng” diệt tề trừ gian, giữ vững địa bàn, xây dựng củng cố khu du kích, cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Những địa danh kháng chiến như chùa Cổ Lễ vào thời kỳ 1945-1954 là nơi hội họp, chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh, của huyện, là cơ sở của đội tuyên truyền cách mạng vũ trang, cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, trong kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng chính quyền huyện Trực Ninh và tín đồ trong vùng đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa ra chiến trường. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Thị trấn Cổ Lễ đã có 2.203 người tham gia bộ đội chủ lực, 192 liệt sĩ. Năm 2005, Đảng bộ, quân và dân thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Thị trấn Cổ Lễ hôm nay.
Thị trấn Cổ Lễ hôm nay.

Đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Thực hiện Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 10-1-1984, Thị trấn Cổ Lễ được thành lập. Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Đảng bộ thị trấn tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch xây dựng đô thị. Trong phát triển kinh tế, thị trấn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng CN-TTCN, thương mại, dịch vụ; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và mở rộng các mối quan hệ liên kết để đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Thị trấn tận dụng những thế mạnh của địa phương nằm trên trục phát triển kinh tế phía nam của tỉnh, thu hút nhiều dự án đầu tư để phát triển CN-TTCN và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Đến nay, sản xuất nông nghiệp còn 4,78%; CN-TTCN chiếm 18,65%; dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng 76,57%. Để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN, Đảng ủy thị trấn đã có chủ trương hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực, kích cầu đầu tư. Đến nay, CCN thị trấn đã thu hút 18 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, tới đây sẽ được mở rộng thêm 9,51ha về phía đông để thu hút thêm các nhà đầu tư. Trong phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến nay, diện mạo thị trấn đã từng bước được đầu tư khá khang trang với những dự án lớn như Dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá - du lịch chùa Cổ Lễ, Dự án cống số 2, Dự án đường Thống Nhất, bãi xử lý rác thải, cải tạo hệ thống thoát nước tại chợ Cổ Lễ và nhiều công trình trụ sở cơ quan, các cơ sở dịch vụ dọc Quốc lộ 21. Thị trấn cũng tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Xây dựng CCN Thị trấn Cổ Lễ; trường mầm non khu A3, trường THCS, hệ thống nước thải khu A1, đường Hữu Nghị ở trung tâm thị trấn, dự án nước máy xuống cơ sở, xây dựng bến xe trung tâm, đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa ở các tổ dân phố… Hiện nay, UBND Thị trấn Cổ Lễ đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án quy hoạch kéo dài trục đường Hữu Nghị đến sát xã Liêm Hải. Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của thị trấn là hoạt động thương mại sầm uất ở chợ trung tâm và trên 200 quầy dịch vụ hai bên Quốc lộ 21, đường Hữu Nghị. Những năm gần đây, mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của thị trấn đạt bình quân trên 10%. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt hơn 67 tỷ đồng; dịch vụ, thương mại đạt gần 276 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 17,2 tỷ đồng; thu ngân sách đạt gần 4 tỷ đồng. Trạm y tế thị trấn giữ vững đạt tiêu chuẩn quốc gia; trường tiểu học và trường THCS được tỉnh công nhận trường chuẩn quốc gia. Cả 10 tổ dân phố, 3 trường: mầm non, tiểu học, THCS và trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn “Đơn vị có nếp sống văn hoá” cấp tỉnh và có 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững. Trên nền tảng bền vững của một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Cổ Lễ đang tạo được những bước đi vững chắc để xây dựng một đô thị hiện đại, phát triển trong tương lai./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com