Xuân Trường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

09:07, 14/07/2014

Xác định công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở huyện Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, khai thác và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Nhà văn hóa xóm 17, xã Xuân Phong được khánh thành tháng 1-2014.  Bài và ảnh: Viết Dư
Nhà văn hóa xóm 17, xã Xuân Phong được khánh thành tháng 1-2014.

Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đời sống văn hóa từ huyện tới cơ sở được kiện toàn, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy ước nếp sống văn hóa luôn được huyện quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền cổ động trực quan, kẻ vẽ pa-nô, áp phích, sử dụng hiệu quả hệ thống truyền thanh... Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được các địa phương kết hợp với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do MTTQ phát động tạo đà cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM. Nhiều thôn, xóm trong huyện xây dựng quy ước nếp sống văn hoá. Các thôn, xóm tổ chức họp dân để sửa đổi, bổ sung quy ước cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thôn, xóm. Đến nay, toàn huyện đã có 210/312 thôn, xóm đạt danh hiệu làng văn hóa (đạt 67,3%); 37.960/52.000 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 73%); nhiều thôn, xóm văn hóa có từ 80% số hộ trở lên đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Xã Xuân Tân là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa. Đến nay, cả 16 xóm trong xã đều có hương ước, quy ước về thực hiện nghĩa vụ quân sự, việc cưới việc tang, tổ chức lễ hội, quy ước sử dụng điện, quy ước quan hệ ứng xử trong gia đình, quy ước giao thông nông thôn, quy ước thăm hỏi người ốm đau... các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Tại các thôn, xóm, các thiết chế văn hóa như NVH, sân vận động, thư viện được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn huyện đã có 183/312 NVH thôn, xóm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM. NVH xã Xuân Phong có diện tích 140m2 được khánh thành đầu năm nay, với kinh phí xây dựng gần 700 triệu đồng chủ yếu từ sự đóng góp của nhân dân. NVH được trang bị đầy đủ loa đài, bàn ghế, phông cờ, tăng âm... để phục vụ các hoạt động tập thể của nhân dân. Từ khi NVH đi vào hoạt động, Chi bộ Đảng, Hội Người cao tuổi, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và nhân dân trong xóm có địa điểm để họp và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tập luyện TDTT, hoạt động văn nghệ, sinh hoạt các CLB của các đoàn thể trong xóm. Cũng qua các hoạt động, đã phát hiện các hạt nhân văn nghệ để bồi dưỡng, làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương. Hệ thống thư viện huyện, tủ sách pháp luật các xã, thị trấn được quan tâm đầu tư kinh phí để bổ sung các đầu sách, các loại báo, tạp chí phục vụ nhân dân. Toàn huyện có 1 bưu điện huyện, 20 tủ sách pháp luật, 20 điểm bưu điện văn hóa xã, thị trấn thường xuyên được bổ sung các đầu sách, phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của cán bộ và nhân dân. Ngoài thư viện huyện hiện có hơn 2.000 đầu sách và tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn, trên 50% NVH thôn, xóm của huyện được trang bị tủ sách. Nhiều xã có các NVH thôn, xóm trang bị tủ sách hoạt động hiệu quả như: Xuân Hồng, Xuân Phương, Xuân Ninh, Xuân Phong… Ở NVH làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng tủ sách làng văn hóa hoạt động hiệu quả với hơn 1.000 cuốn sách, tạp chí. Tủ sách hoạt động từ năm 1995, có đủ các loại sách, tạp chí ở các lĩnh vực như: lịch sử, giáo dục, y tế… Tủ sách NVH xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh, ban đầu chỉ có khoảng 100 cuốn sách, nhờ sự đóng góp của nhân dân hiện nay tủ sách đã có hơn 200 cuốn với nhiều chủng loại đa dạng, gồm: Tạp chí thiếu nhi, sách tham khảo, tạp chí khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi. NVH xóm 17, xã Xuân Phong tuy mới đi vào sử dụng nhưng tủ sách làng văn hóa đã có trên 1.000 cuốn sách, trong đó cụ Phạm Quang Diến và Phạm Văn Đễ là những người tích cực vận động nhân dân hiến sách, đồng thời trực tiếp hiến vào tủ sách xóm nhiều cuốn sách có giá trị. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Toàn huyện có trên 100 đền, chùa, 70 nhà thờ, 800 từ đường, trong đó có 31 di tích lịch sử, văn hoá được Nhà nước xếp hạng. Trong các lễ hội, có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được khôi phục như: bơi chải, thổi cơm thi, võ vật, cờ người, múa lân, múa rồng, tổ tôm điếm... Việc quản lý lễ hội từng bước được quan tâm. Lễ hội trở thành ngày hội văn hoá của nhân dân diễn ra an toàn, tiết kiệm, đảm bảo thực hiện đúng quy chế nếp sống văn minh trong lễ hội.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn chăm lo đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tạo chuyển biến về ý thức tự giác thực hiện trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong các cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com