Bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, từng gia đình và toàn xã hội, là cơ sở nền tảng để phát triển con người. Để thực hiện được mục tiêu này, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi hành vi của cộng đồng về bình đẳng giới.
Nhiều phụ nữ tham gia làm công việc nặng nhọc như nam giới (Trong ảnh: Làm gạch thủ công ở Yên Phúc, Ý Yên). |
Triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN). Theo đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới được triển khai với nhiều hình thức phong phú, rộng khắp, đến các đối tượng trong cộng đồng. Ban VSTBPN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh; các địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể, CLB khu dân cư; phát hàng nghìn tờ rơi về bình đẳng giới mỗi năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình theo Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình; trách nhiệm của Nhà nước về thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phát hiện, tố giác bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em... Hằng năm, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và VSTBPN từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung tập trung vào các chuyên đề về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và VSTBPN; nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới; các khái niệm cơ bản về bình đẳng giới; hướng dẫn lồng ghép các vấn đề về bình đẳng giới vào các chương trình hoạt động; phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ… Từ năm 2013 đến nay, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho trên 1.300 người là cán bộ Sở TT và TT, cán bộ thanh tra về bình đẳng giới, lãnh đạo xã, cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH cấp xã, cán bộ Hội Phụ nữ huyện, xã; tổ chức 3 cuộc hội thảo về thực trạng, nguyên nhân, bàn giải pháp về công tác bình đẳng giới và VSTBPN trong lĩnh vực chính trị, việc làm. Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hướng dẫn lồng ghép giới vào trong các hoạt động của ngành, đơn vị, địa phương. Điển hình như Hội Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống gắn với giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ với nhiều hình thức như: tổ chức về nguồn, gặp mặt truyền thống, mít tinh, giao lưu VHVN… thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Để đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, trong năm 2013, Ban VSTBPN huyện Giao Thủy đã tổ chức 11 lớp trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp lý về hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới cho 24 nghìn hội viên phụ nữ, nông dân; 2 lớp cho trên 700 đoàn viên, thanh niên ở 22 xã, thị trấn; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới, 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” cho 350 cán bộ Hội Phụ nữ. Từ những hoạt động tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, thiết thực, nhận thức của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về bình đẳng giới, về công tác phụ nữ ngày càng được nâng lên. Ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của cả nam và nữ vào cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp trong bộ máy Nhà nước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh nam và nữ đến trường ở các cấp học hầu như không chênh lệch. Hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được ưu tiên vay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; nhiều phụ nữ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, được học nghề, tạo việc làm, phòng, chống bạo lực gia đình…, giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác xã hội. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số người vẫn mang định kiến về giới, còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, công việc gia đình phần lớn đều do phụ nữ gánh vác. Vẫn còn hiện tượng bạo lực ngược đãi phụ nữ, trẻ em gái. Nhiều phụ nữ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về quyền bình đẳng giới…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới, thời gian tới, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, các huyện, thành phố và cơ sở trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và VSTBPN. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới, khen thưởng kịp thời các cá nhân điển hình; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về bình đẳng giới./.
Bài và ảnh: Minh Tân