Trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tai nạn trong cuộc sống hằng ngày

09:07, 18/07/2014

Cách đây hơn một tháng, trong bữa cơm tối, cháu Tuấn con chị tôi ở đường Hùng Vương (TP Nam Định) mới hơn 2 tuổi được bà nội cho vài hạt lạc rang. Khi đang ăn, cháu đòi cả đĩa lạc để nghịch không được nên khóc rồi bị sặc. Sau khi lấy hết chỗ lạc còn dở trong miệng, thấy con vẫn có biểu hiện bị nghẹn, khó thở, chị tôi nhanh chóng đưa đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được bác sĩ lấy ra một số hạt lạc còn lại trong cổ cháu…

Ca cấp cứu thành công, bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho cháu Tuấn ân cần căn dặn: “Từ trường hợp cấp cứu hôm nay, người nhà bệnh nhân cần lưu ý. Trước hết, tất cả các trường hợp cấp cứu từ trẻ em, người lớn đều phải đưa đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh bởi nơi đây mới có đủ nhân lực, vật lực để thực hiện cấp cứu kịp thời. Đối với trẻ nhỏ thường bị hóc các loại dị vật như đồng tiền xu chơi game, cúc áo, các loại hạt lạc, hạt ngô, các loại kẹo dẻo, các quả nhỏ… phải được nhanh chóng lấy ra ngay từ nhà và chuyển nhanh đến bệnh viện cấp cứu. Bởi nếu không lấy các dị vật ra ngay sẽ dẫn tới trẻ bị nghẹt thở, nhẹ thì thiếu máu lên não, ảnh hưởng đến thần kinh, còn nặng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng…”. Sau khi nằm tại bệnh viện khoảng 3 tiếng, thấy con sức khoẻ bình thường, gia đình đưa cháu về nhà và theo dõi. Cẩn thận hơn, chị còn đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương để khám lại lần nữa. Các bác sĩ ở đây còn cho biết thêm, khác với dị vật khác, việc sặc thực phẩm trong khi ăn như hạt lạc, gạo, cháo, sữa… có mức độ nguy hiểm cao. Nguyên nhân, là do các loại thực phẩm trên khi vào phổi không thể phát hiện bằng phương pháp siêu âm. Các loại thực phẩm mang theo vi khuẩn từ ngoài vào nên một thời gian sẽ dẫn tới viêm, thậm chí áp xe phổi, lúc này trẻ có biểu hiện ho, sốt nhẹ không dứt, nếu không phát hiện kịp thời và gắp ra sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng… Qua sự việc trên, chị tôi có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con khoẻ mạnh.

Nhiều gia đình đã chú trọng hơn việc sử dụng an toàn, phòng chống cháy nổ do gas.
Nhiều gia đình đã chú trọng hơn việc sử dụng an toàn, phòng chống cháy nổ do gas.

Không chỉ thiếu kỹ năng trong việc chăm sóc con cái, nhiều vấn đề trong cuộc sống mà nhiều người lớn nếu thiếu kiến thức khi xử lý sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường. Chị Hoa, nhân viên của một Cty Lữ hành du lịch trên địa bàn Thành phố Nam Định kể, nhà chị có con nhỏ nên phải thuê một phụ nữ trung tuổi ở quê lên trông cháu, dọn dẹp nhà cửa. Cách đây 1 tuần, người giúp việc bật bếp gas hầm xương lấy nước dùng cho cháu nhỏ. Do vội nên bà bật bếp xong rồi ra sân quét dọn mà không để ý rằng lửa không lên và gas cứ thế thoát ra khắp nhà. Rất may, hôm đó là ngày nghỉ, anh chị đều ở nhà, hơn nữa anh không xuống dưới nhà hút thuốc như thường lệ nếu không sẽ gây cháy nổ. Khi chị xuống nhà, ngửi thấy mùi gas nồng nặc, biết là nguy hiểm nên chị bình tĩnh đến vặn lại van an toàn ở bình gas, mở nhẹ các cửa ra vào, cửa sổ, dùng quạt nan quạt hết khí gas ra ngoài. Lúc này kiểm tra bếp thấy lạnh, chứng tỏ bếp bị thoát gas nhiều. Chị cho rằng, hôm đó chỉ cần hấp tấp mở ngay công tắc đèn điện để xem, hoặc đi guốc đế sắt chạy hoặc mở mạnh các cánh cửa sổ sắt, inox… sẽ vô tình tạo ra tia lửa điện kết hợp với khí gas đậm đặc sẽ gây cháy nổ cả nhà.

Thực tế cho thấy những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân do người lớn thiếu kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, hoặc có hiểu biết nhưng lại chủ quan, không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, mỗi năm toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị ngã, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn, tai nạn giao thông, đuối nước... trong đó có tới 65% vụ xảy ra tại các nơi công cộng và 35% vụ xảy ra tại nhà. Năm 2012, toàn tỉnh có 585 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 30 trường hợp tử vong. Năm 2013, có 457 trẻ em trong tỉnh bị tai nạn thương tích, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Đối với người lớn, mỗi năm trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra hàng trăm vụ tai nạn đáng tiếc khi sửa bình nóng lạnh không đúng cách gây rò rỉ điện dẫn tới bị giật, có trường hợp chết người; sử dụng gas không đúng cách gây cháy, nổ, bị bỏng; vô tình xịt thuốc trừ muỗi vào bếp gas khiến lửa bùng lên gây bỏng... Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng tránh các tai nạn cho người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC giảng dạy, hoặc mời các giảng viên Trường Đại học PCCC giảng về các biện pháp đề phòng cháy nổ trong công sở, gia đình. Chị Thanh Thuỷ, cán bộ Ngân hàng NN và PTNT tỉnh cho biết, qua nghe giảng viên nói về sử dụng gas và các biện pháp phòng, chống cháy nổ, chị có thêm nhiều kiến thức trong sử dụng gas, từ đó tuyên truyền cho gia đình, người thân thực hiện đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chị còn mua một thiết bị báo rò rỉ khí gas để lắp trong nhà bếp với hy vọng sẽ phòng tránh những vụ cháy nổ do xì gas. Đối với việc trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ em, đề phòng tai nạn thương tích, Sở LĐ-TB và XH đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông cho hàng nghìn người là cha, mẹ và người chăm sóc trẻ. Thông qua việc tham dự các lớp tập huấn, được nghe giảng viên truyền đạt, nhiều cha mẹ học sinh đã có thêm các biện pháp phòng tránh, cấp cứu trẻ khi bị đuối nước, điện giật… Các ngành VH, TT và DL, GD và ĐT, Tỉnh Đoàn cũng có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích cho học sinh như dạy bơi, tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên… Đặc biệt, việc dạy kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ được một số trường mầm non trên địa bàn thành phố thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. Với các biện pháp trên sẽ giúp nhiều đối tượng, từ người lớn đến trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng để có thể xử lý tốt hơn khi xảy ra các tai nạn trong cuộc sống hằng ngày./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com