Xác định việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch công tác dân số - KHHGĐ góp phần nâng cao chất lượng dân số hằng năm, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện SĐKH, Thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số phường Ngô Quyền tuyên truyền chính sách dân số đến người dân. |
Để thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân số như: Pháp lệnh Dân số, Nghị định 114 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về chính sách dân số - KHHGĐ... Đài Phát thanh thành phố và hệ thống đài truyền thanh các phường, xã hằng tháng đều xây dựng chuyên mục “Dân số - KHHGĐ”, kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số - KHHGĐ ở các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương. Hằng năm, chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ được tổ chức trên phạm vi toàn thành phố. Riêng trong những tháng đầu năm 2014, thành phố đã tập trung chỉ đạo 2 xã Lộc Hòa và Nam Phong triển khai thực hiện chiến dịch. Công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ còn được lồng ghép với các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể của thành phố như: Ủy ban MTTQ, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên. Tiêu biểu là Hội Phụ nữ các xã, phường: Lộc Hạ, Mỹ Xá, Trần Đăng Ninh, Ngô Quyền với việc duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của CLB phụ nữ không sinh con thứ 3. Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác truyền thông giáo dục về dân số - KHHGĐ đã được đẩy mạnh trên địa bàn thành phố với 200 chương trình phát sóng, phát thanh trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ thành phố đến các phường, xã; tổ chức chăng treo 75 băng rôn, cấp phát 5.000 tờ rơi các loại… Cùng với công tác tuyên truyền, thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số. Đề án “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” được triển khai tại các xã: Nam Phong, Lộc Hòa, Lộc Hạ và phường Bà Triệu do đặc thù của các địa phương đều có các trường dạy nghề, tập trung đông học sinh, sinh viên. Triển khai thực hiện đề án, Ban quản lý đề án và CLB tiền hôn nhân ở 4 phường, xã được củng cố, duy trì hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu quả tích cực. Tại xã Nam Phong, năm 2013, Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố phối hợp với Hội KHHGĐ tỉnh tư vấn và khám sức khỏe cho 210 đối tượng là vị thành niên, thanh niên. Cán bộ dân số xã tổ chức phát tờ rơi về SKSS đến học sinh Trường Trung cấp Xây dựng đóng trên địa bàn và phối hợp với nhà trường tổ chức nói chuyện chuyên đề cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Tại xã Lộc Hòa, cán bộ dân số xã tiến hành khảo sát hiểu biết của học sinh Trường THCS Lộc Hòa và đoàn viên, thanh niên ở các thôn, xóm về vấn đề SKSS. Trong tháng 3-2014 Ban dân số phường Lộc Hạ đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định thu hút gần 300 sinh viên tham gia. Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được triển khai ở tất cả các phường, xã. Tháng 3-2014, Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố đã tổ chức tập huấn lại cho cán bộ chuyên trách dân số ở 25 phường, xã kỹ năng tuyên truyền về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Trong tháng 4-2014, xã Mỹ Xá tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho 100 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố cấp phát tờ gấp tuyên truyền, thực hiện kiểm tra giám sát và cam kết ở tất cả các đơn vị y tế (bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám sản - phụ khoa tư nhân, 25 trạm y tế phường, xã) về việc không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nhờ đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã từng bước được khống chế: Năm 2011 là 120 bé trai/100 bé gái; năm 2012 là 118 bé trai/100 bé gái; năm 2013 là 116 bé trai/100 bé gái. Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được triển khai ở cả 25 phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong khuôn khổ đề án, nhiều hoạt động được thực hiện thường xuyên như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở về mục đích, ý nghĩa, nội dung của đề án; tuyên truyền về đề án lồng ghép với các hoạt động, hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; duy trì mỗi tháng 1 lần tổ chức nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và phụ nữ mới kết hôn; tập huấn cho cán bộ y tế, nữ hộ sinh của 2 xã Nam Phong, Nam Vân về quy trình lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Ban dân số còn phối hợp với các trạm y tế xã, phường tuyên truyền về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các bà mẹ đang mang thai vào ngày 26 hằng tháng. Trong năm 2013, 2 xã Nam Phong và Nam Vân đã lấy được 75 mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh, vượt 5 mẫu so với chỉ tiêu được giao.
Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số, Thành phố Nam Định đã nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chính sách dân số và CSSKSS/KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng dân số./.
Bài và ảnh: Lam Hồng