Tản mạn nghề cắt tóc vỉa hè

09:07, 04/07/2014

Vài chục năm trước, khi lũ chúng tôi còn bé tí ở cái xóm nghèo, mỗi khi nghe tiếng chiếc kèn có lắp thêm quả bóng cao su có âm thanh nghe như “kem mút, kem mút” hay những tiếng rao “ai kẹo kéo”, “ai cắt tóc đi”… là lốc nhốc ríu rít chạy ra tỏ ra “nhạy cảm” lắm. Bây giờ, tiếng kem mút, tiếng kẹo kéo, tiếng rao cắt tóc dạo đều thưa vắng. Đi trên phố, gặp một vài quán cắt tóc vỉa hè gợi nhớ đến những người cắt tóc dạo khi xưa…

Ông Nguyễn Tùng Lâm, tổ 13, phường Cửa Nam (TP Nam Định) năm nay trên 50 tuổi. Xuất ngũ trở về, ông “lao” vào kiếm sống bằng đủ thứ nghề: may mặc, giày da… Không đủ nuôi con, ông chuyển sang làm thợ cắt tóc dạo, đạp xe đi khắp nơi tìm khách. Ông Lâm bảo, ông tập tành cái nghề “vít đầu thiên hạ” từ hồi hãy còn trong quân ngũ. Đó là tài lẻ mà ông hết sức tự hào. Hồi đó, ông cắt tóc cho vui thôi, đồng đội với nhau ai nhờ cũng cắt. Không ngờ, cái “vốn nghề” cho vui ấy theo ông Lâm, nuôi sống ông và gia đình đến tận bây giờ. Nhưng không phải công việc làm ăn lúc nào cũng suôn sẻ: “Tôi chính thức làm thợ cắt tóc từ năm 1995. Hồi đó, những thợ cắt tóc vỉa hè như chúng tôi không có chỗ ngồi cố định. Tôi phải lang thang nhiều ngõ ngách trong phố để kiếm sống, từ Trần Quốc Toản sang Trần Hưng Đạo, đến Cột Cờ, Máy Tơ… Năm 1997 đến nay, tôi ngồi ổn định tại khu vực “chợ” nghề đường Cột Cờ, Thành phố Nam Định”. Ở đây có khoảng 30 thợ cắt tóc quy tụ từ nhiều nơi trong thành phố về đây hành nghề ổn định. Đồ nghề của những thợ cắt tóc vỉa hè đơn giản, một bộ dao kéo, vài cái tông-đơ, ắc-quy, cái ghế xoay... “Đầu tư tất cả cũng chỉ ngót 2 triệu bạc”, ông Lâm cho biết. “Sang  hơn một chút, có quán đầu tư thêm cái quạt cóc nhỏ chạy bằng ắc-quy, chiếc đài cát xét mở xập xình cho vui tai. Quán bình dân mà”, ông Lâm vui vẻ cười xoà.

Quán bình dân phục vụ khách bình dân là chủ yếu. Anh thợ hồ đi làm, tiền công ngày được hơn kém trăm nghìn đồng dừng xe tranh thủ cắt vội cái tóc. Buổi sáng thong dong cụ già đạp xe dạo phố, qua “phố cắt tóc” ghé vào nhờ anh thợ quen sửa sang lại tóc tai. Những thanh niên  trẻ trai cũng có thú vui tìm đến quán cắt tóc vỉa hè vừa để đỡ mất thời gian chờ đợi, vừa có thể chọn lựa được nhiều thợ cắt. Buổi chiều tan học, bà mẹ trẻ tranh thủ lúc chờ con gái nhỏ học múa ở Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố cho con trai lớn vào cắt tóc… Cứ như vậy, mùa này qua mùa khác, mỗi thợ cắt tóc vỉa hè khu phố nghề cũng đủ sống qua ngày. Người “già” nhất khoảng 50 tuổi, lứa trung niên tầm tầm 35-40 là đông nhất. Họ quây quần lại với nhau để kiếm sống. “Chúng tôi tính chung một mức giá 25 nghìn đồng/đầu. Nếu cả cạo mặt, lấy ráy tai thì 30 nghìn đồng. Trung bình 1 ngày, mỗi thợ có 3-7 khách”, ông Lâm cho biết. Những thợ trẻ khoảng 30-40 tuổi thường đông khách hơn, có từ 5-7 khách. Vì khi đó họ đang ở vào thời điểm “phong độ” nhất của nghề, mắt sáng, tay nhanh. Hơn nữa, những người trẻ cũng rất biết cách chiều khách khi cập nhật liên tục các kiểu tóc mới. Vì vậy họ dễ được lòng khách. Thợ già, tuy có kinh nghiệm cẩn thận, tỉ mỉ hơn nhưng mắt mũi, chân tay đều chậm. Thợ cắt tóc, để đứng được trong nghề, ít nhất phải có kinh nghiệm làm nghề từ 3 năm trở lên. Đó là với những ai nhanh nhẹn, biết tiếp thu. Nghề cắt tóc đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, khéo tay cộng thêm với gu thẩm mĩ, năng khiếu cần thiết. Vì vậy, không thể vội lúc hành nghề. Những người trẻ, đã học nghề, nóng vội thì khó theo được nghề. Và bởi vì đây là nghề “làm dâu trăm họ” nên yếu tố cần mẫn, chăm chỉ, tận tâm luôn được xếp lên hàng đầu. “Tuy nhiên, cắt tóc nam không khó và không cầu kỳ lắm. Bởi tóc nam không nhiều kiểu cách thời trang như tóc nữ”, ông Lâm cho biết.

Thợ cắt tóc vỉa hè cũng “được hàng” theo mùa. Tết đến xuân về, người người có nhu cầu mặc đẹp, ăn diện để đi chơi, những thợ cắt tóc vỉa hè đông khách lắm. Thậm chí khách phải chờ thợ. Khi đó, mỗi thợ cắt tóc ít nhất bỏ túi từ 150-300 nghìn đồng/ngày. “Mùa hè nóng bức hay khi những ngày rét đậm rét hại, khách khứa ít hẳn đi. Do khách muốn tìm một nơi ấm áp, mát mẻ hơn để ngồi. Chẳng ai muốn ra một chỗ nóng bức, bốn bề lộng gió để mà cắt  tóc cả. Nghề cắt tóc vỉa hè, không tốn kém bao nhiêu tiền đầu tư. Mua một hộp dao cạo mấy nghìn đồng có thể dùng được 2 ngày, cái tông-đơ có khi dùng đến 10 năm mới hỏng. Nghề cắt tóc vỉa hè, lấy công làm lãi là thế”, ông Lâm chia sẻ.

Mươi, mười lăm năm trước thợ cắt tóc vỉa hè làm ăn phát đạt nhất. Khi đó thợ thuyền cũng ít, những cửa hiệu cắt tóc nam mở chưa nhiều. Khoảng 5 năm nay, những thợ cắt tóc vỉa hè ít khách hẳn đi do sự bùng nổ của các cửa hiệu thời trang tóc nam được đầu tư vốn liếng lớn mọc “như nấm sau mưa” trong thành phố. Các cửa hiệu sang trọng sáng loáng những kính, máy điều hoà mát lạnh, còn có thêm những dịch vụ nhuộm tóc, mát-xa mặt… Và số lượng “thợ thuyền” cũng tăng gấp 3, 4 lần, hút dần khách của những quán cắt tóc vỉa hè bình dân. Thậm chí, nhiều cửa hiệu cũng có các mức giá rất bình dân, nếu chỉ cắt tóc thông thường cũng chỉ lấy giá nhỉnh hơn chút ít so với các quán vỉa hè, trong khi cửa hiệu, chỗ ngồi sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Bình thường mọi người giỏi lắm cũng cắt tóc một tháng một lần chứ mấy, “tội gì không vào chỗ “tử tế” mà cắt”. Công cuộc mưu sinh của thợ cắt tóc vỉa hè, vì thế ngày càng khó khăn và bị thu hẹp hơn.

Ông Lâm kể cho chúng tôi nghe về trường hợp ông Nguyễn Thanh An, đường Trần Hưng Đạo, khách hàng quen của ông 15 năm nay. Ông An “theo” ông Lâm từ những ngày đầu ông khởi nghiệp. “Lần đầu tiên ông ấy đến chỗ tôi cắt tóc, ông ấy bảo ông muốn cắt kiểu gì cũng được, miễn là… đẹp cho tôi. Tôi cắt xong ông ấy chưa hẳn ưng ý lắm. Một tuần sau ông ấy quay lại chỗ tôi và bảo, ông cắt đẹp đấy, ai về cũng khen tôi có “mái tóc” mốt thế. Vậy là đều đặn mỗi tháng ông ấy đến chỗ tôi cắt tóc. Hồi trước, tôi hay chuyển chỗ ngồi, ông ấy còn dặn, chuyển đi đâu nhớ báo tôi nhé. Cái nghề cắt tóc vỉa hè của chúng tôi chả sang trọng gì, cũng chưa chắc đã được mấy người chú ý nhưng có những vị khách như vậy, tôi thấy rất vui. Cũng là gom góp thêm chút an ủi cho những ngày vắng khách. Vì thế, ngày nắng, ngày mưa chúng tôi đều chăm chỉ vác ghế ra ngồi. Phần vì miếng cơm manh áo, phần nữa không đi làm cũng buồn. Ở nhà lại sốt ruột, lỡ may có khách quen đến không gặp thì sao? Vì thế, tôi chả vắng mặt ngày nào.

Tranh thủ lúc vắng khách, những thợ cắt tóc vỉa hè đường Cột Cờ đọc tờ báo cũ, cắt tóc “làm đẹp” cho nhau. Buổi trưa, những người ở gần về nhà ăn cơm rồi ra trông hộ hàng họ cho những người ở xa kịp về cơm nước hay chạy đi mua hộp cơm bình dân. Nhịp sống của những thợ cắt tóc vỉa hè diễn ra đơn giản như chính cung cách họ làm ăn, kiếm sống. Không có bất cứ một tiếng chào mời, chèo kéo nào của chủ quán với khách. Khách quen, khách lạ, như đã lựa chọn được người cắt từ trước, dựng xe ngồi vào ghế và cắt tóc.

4h chiều mùa hè, ánh nắng đã bớt gay gắt, khu vực “chợ nghề” râm mát hẳn bởi những dãy nhà “ngả bóng”. Phía trước mặt đường Cột Cờ, đối diện khu vực Bảo tàng Nam Định rợp bóng cây xanh. Chưa có khách, những thợ cắt tóc đủ các lứa tuổi quây quần bên nhau “tám” chuyện trên trời, dưới bể, thời sự trong, ngoài nước rôm rả... Thỉnh thoảng vài tiếng khua kéo của những thợ trẻ chăm nghề sắc lảnh, lanh tanh. Khung cảnh này, bỗng nhiên gợi mở những cảm xúc khác lạ, trầm lắng của phố phường. Đủ để đôi khi người chứng kiến có thể “lắng” lại đôi chút trước những biến thiên, vận động của cuộc sống gấp gáp, ồn ã…

Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com